Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực chế biến ca cao nhằm cung cấp ra thị trường các sản phẩm ca cao có sức hấp dẫn. Một số tổ chức, doanh nghiệp đang xây dựng những vùng sản xuất ca cao tập trung, quy mô sản xuất lớn với hàng trăm ha tại các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai.

Vừa qua, tại tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang tổ chức hội nghị thường niên Ban Điều phối Ca cao Việt Nam năm 2018.

Tham dự hội nghị gần 100 đại biểu là đại diện Cục Trồng Trọt; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm các tỉnh/thành phố: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai,…; 05 doanh nghiệp sản xuất sản xuất ca cao, cùng các nông dân tham gia trồng ca cao tại tỉnh Tiền Giang.

Bên lề Hội nghị, các đại biểu đã tham quan mô hình trồng cây ca cao và quy trình sản xuất chế biến ca cao, sô-cô-la của doanh nghiệp Kim My. Tại đây, đại biểu đã được nghe chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn, cũng như kỹ thuật canh tác, sơ chế trong quá trình trồng và sản xuất chế biến ca cao trong nước và thế giới trong năm 2018. Ước tính tổng diện tích ca cao tại Việt Nam năm 2018 đạt 5.833 ha; trong đó Đắk Lắk 1.475 ha, Đăk Nông 585 ha, Lâm Đồng 332 ha, Bình Phước 584 ha, Đồng Nai 260 ha, Bà Rịa – Vũng Tàu 305 ha, Bến Tre 345 ha, Tiền Giang 679 ha, Vĩnh Long 202 ha và Sóc Trăng 179 ha. Sản lượng ca cao cả nước đạt 5.704 tấn hạt khô, năng suất 12 tạ hạt khô/ha.

Hội nghị thông qua 8 báo cáo tham luận về: Tình hình sản xuất, kinh doanh ca cao năm 2018 và định hướng phát triển thời gian tới; Báo cáo hoạt động của Ban Điều phối Phát triển Ca cao Việt Nam năm 2018 và Kế hoạch hành động năm 2019; Hiện trạng và những vấn đề đặt ra cho sản xuất ca cao của địa phương, định hướng trong thời gian tới; Kết quả sản xuất kinh doanh, mô hình liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ ca cao năm 2018 và kế hoạch năm 2019; Giới thiệu một số hoạt động nghiên cứu phòng trị bệnh thối quả ca cao (Black Pod) của Viện Khoa học KTNLN Tây Nguyên; Báo cáo hoạt động và cập nhật của tổ chức UTZ tại Việt Nam. Đồng thời, Ban chủ tọa tiếp nhận những ý kiến chia sẻ, trao đổi của các doanh nghiệp, các cán bộ khuyến nông, nông dân tham dự hội nghị.

Kết luận hội nghị, TS. Trần Văn Khởi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sản xuất ca cao hiện nay đang theo hướng bền vững gắn với chế biến và phát triển du lịch. TS Trần Văn Khởi đề nghị năm 2019, cần thúc đẩy hình thành và vận hành mối liên kết nhóm hợp tác PPP trong sản xuất và chế biến ca cao. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ca cao thông qua các sự kiện như Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, hội thảo chuyên đề, tọa đàm trên truyền hình trung ương và địa phương; xây dựng và cấp phát các phim phóng sự, tờ gấp về kỹ thuật sản xuất, sơ chế ca cao,… Tăng cường nguồn lực của nông dân, hợp tác xã những vùng trọng điểm, tổ chức các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây ca cao. Đề xuất dự án khuyến nông, mô hình trồng ca cao xen tiêu, xen điều. Tạo điều kiện để các tổ chức, doanh ngiệp nước ngoài đầu tư sản xuất, thu mua, chế biến ca cao tại Việt Nam. 

Các đại biểu thăm khu chế biến ca cao của doanh nghiệp Kim My

 

 Võ Hồng – Hà Văn Biên

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia