Thời gian tập huấn gồm 04 ngày học lý thuyết và 01 ngày thực hành, tham quan hiện trường. Các học viên của lớp tập huấn đến từ 14 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Ngay vào ngày đầu của khóa tập huấn, Ban tổ chức đã khảo sát nhanh mong muốn thực sự của học viên trong các chuyên đề học, để giảng viên có thể truyền tải tối đa kiến thức thực tế theo nguyện vọng của học viên. Đồng thời, học viên được khảo sát sơ bộ nhu cầu tập huấn đầu vào bằng phương pháp bàn tay 05 ngón, giúp giảng viên và ban tổ chức đánh giá sơ bộ về năng lực, trình độ, kỹ năng, mong muốn của học viên tham gia khóa học.

Tại lớp học, học viên được trang bị kiến thức về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo giá trị gia tăng; chuỗi liên kết sản xuất; hạch toán kinh tế nông hộ; thị trường nông sản; phương pháp xây dựng tài liệu khuyến nông; phương pháp giảng thực hành ngoài hiện trường. Theo đó, học viên được bố trí làm việc nhóm biên soạn tài liệu khuyến nông theo chuyên đề. Lớp được chia làm 4 tổ với 04 chủ đề: Chuẩn bị ao nuôi tôm công nghiệp; Quản lý bệnh đạo ôn trên lúa; Tiết kiệm nước trong canh tác lúa; Kỹ thuật ghép áp chồi trên cây ca cao. Sau khi làm việc, các nhóm phải đưa ra được khung bố cục tài liệu, trình bày cách làm, xác định hình thức sử dụng tài liệu, hiệu quả của tài liệu. Đồng thời, mỗi học viên được làm bài tập cá nhân xây dựng bố cục khung tài liệu khuyến nông chuyên ngành theo chủ đề tự chọn và biên soạn chi tiết một nội dung nhỏ trong tài liệu đó.

Tham gia khóa học, học viên được tổ chức thực hành lớp FFS ngoài hiện trường tại mô hình hoa và cây cảnh của xã Long Tân - huyện Đất Đỏ - tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lớp chia làm 02 nhóm, mỗi nhóm chọn 1 chuyên đề. Nhóm 1 chọn chủ đề kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan dendro, nhóm 2 chọn chủ đề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây kiểng lá (cây cảnh lá). Các nhóm thu thập thông tin, quan sát, phỏng vấn và thay nhau làm mẫu giảng thực hành về kỹ thuật trồng hoa lan, cây kiểng, bón phân, làm cỏ.... Dưới sự điều hành của nhóm trưởng, luôn biết cách thúc đẩy các học viên thảo luận, trao đổi, tìm ra ưu điểm, nhược điểm, đưa ra giải pháp khắc phục nhược điểm trong kỹ thuật trồng và chăm sóc lan, kiểng lá tại vườn của chủ hộ. Sau buổi tham quan, học viên báo cáo kết quả công việc của chuyến tham quan tại lớp học với 02 yêu cầu: xây dựng được khung chương trình FFS, kế hoạch chi tiết 1 lớp FFS với giai đoạn phát triển của cây; nhận xét, đánh giá, giải pháp về mô hình tham quan.

Học viên tham quan, thực hành FFS tại vườn hoa cây cảnh xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 

Theo ý kiến của nhiều học viên, lớp tập huấn rất bổ ích, hiệu quả, có nhiều kiến thức mới, nhất là về thị trường nông sản, chuỗi giá trị, đi sâu về kỹ năng biên soạn tài liệu. Học viên mong muốn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục tổ chức các lớp có nội dung mới như vậy

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia