32 cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông cấp tỉnh/huyện đến từ trung tâm khuyến nông các tỉnh/TP: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Phước, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Thơ và công ty TNHH ca cao Trọng Đức, công ty Puratos Grand Place tham gia tập huấn.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Lớp tập huấn nhằm mục đích tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông về kỹ thuật sản xuất ca cao bền vững, đồng thời trang bị cho học viên kỹ năng, phương pháp cơ bản để giảng dạy cho nông dân, người sản xuất ca cao. Các học viên sau khi học xong lớp tập huấn này sẽ là các  giảng viên nòng cốt để tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã, nông dân, người sản xuất ca cao.

Trong thời gian tập huấn, học viên được học lý thuyết về đặc điểm thực vật học của cây ca cao, các giống ca cao phổ biến ở Việt Nam và cơ cấu giống, kỹ thuật nhân giống và quản lý vườn ươm ca cao, quản lý dinh dưỡng và nước tưới cho ca cao, cách tỉa cành tạo tán, quản lý sâu bệnh hại, thu hoạch, sơ chế và bảo quản ca cao.

Sau mỗi phần học lý thuyết đều có phần thực hành của học viên ngay tại vườn ca cao của công ty TNHH Ca cao Trọng Đức. Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước, chuyên gia cao cấp về cây ca cao trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy cho lớp học. Ngoài ra các học viên còn được trang bị về kỹ năng, phương pháp cơ bản để giảng dạy cho nông dân qua các nội dung về phương pháp và kỹ năng giảng dạy cho người lớn FFS, kỹ năng điều phối thảo luận nhóm khi tham quan vườn trồng ca cao do TS Nguyễn Viết Khoa, trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trực tiếp giảng dạy.

Học viên quan sát các đặc điểm hình thái của cây ca cao

Các học viên cũng tham quan vườn canh tác ca cao trên đất dốc tại xã Phú An, thị trấn Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Qua buổi tham quan học tập, các học viên đã được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác ca cao bền vững theo hướng hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường: cách quản lý dinh dưỡng, bón phân cân đối bằng cách sử dụng phân đơn qua hệ thống tưới, tiết kiệm lượng phân bón và công lao động, giảm tối đa chi phí đầu vào, phù hợp cho nông dân nghèo; cách nuôi kiến đen làm thiên địch trong phòng trừ bọ xít muỗi hại ca cao; cách tận dụng nguồn tàn dư thực vật ủ phân hữu cơ và sử dụng phế phụ phẩm ca cao làm thức ăn cho dê; cách tỉa cành tạo tán, cách sơ chế ca cao đảm bảo được chất lượng sản phẩm; các dòng giống ca cao triển vọng hiện đang được trồng khảo nghiệm tại khu vườn.

Lớp tập huấn cũng là dịp để các học viên góp ý, hoàn thiện cuốn sổ tay canh tác ca cao bền vững.

Theo đánh giá của các học viên, cuốn sổ tay được biên soạn thực sự có ý nghĩa cho các cán bộ khuyến nông và bà con nông dân nhằm phục vụ cho việc phát triển ngành hàng ca cao bền vững. Những tiến bộ kỹ thuật được đề cập trong cuốn sổ tay được trình bày chi tiết, rõ ràng, dễ sử dụng giúp cho công tác tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất ca cao được thuận lợi. Tuy nhiên để cuốn tài liệu được hoàn chỉnh hơn, gắn liền với thực tiễn sản xuất, các học viên mong muốn cuốn sổ tay bổ sung thêm phần sinh thái cây ca cao; kỹ thuật canh tác riêng cho từng vùng; cung cấp thêm về giống chịu phèn, mặn và khả năng cho năng suất của các giống này; tập quán, đặc tính gây hại, cách quản lý sâu hại ca cao, cách quản lý sóc, chuột gây hại cho cây ca cao. Cần xây dựng thêm bộ tài liệu theo giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây để giảng viên ứng dụng phương pháp FFS vào tập huấn ca cao tốt hơn.

Kết thúc lớp tập huấn, 100% học viên đánh giá cao về chất lượng, nội dung lớp học cũng như sự cần thiết cho công việc của họ và đề nghị cần nhân rộng các lớp như thế này để đào tạo chuyên sâu cho người sản xuất ca cao, nên xây dựng thêm các công cụ đào tạo về canh tác ca cao như sổ tay tóm tắt, các tờ rơi cho mỗi chuyên đề để thuận tiện cho việc giảng dạy.

Trao chứng nhận cho các học viên tham dự lớp học

Theo kế hoạch, lớp tập huấn ToMT này là một trong chuỗi hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Tổ chức Helvetas Việt Nam về phát triển ca cao bền vững ở Việt Nam. Trước đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Tổ chức Helvetas Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện cuốn sổ tay canh tác ca cao bền vững và tiếp theo hoạt động này là 05 lớp tập huấn ToT cho các cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã, nông dân chủ chốt trồng ca cao ở các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long mà giảng viên cho các lớp tập huấn ToT này do chính các học viên đã tham dự từ lớp tập huấn ToMT trực tiếp giảng dạy nhằm giúp bà con nông dân, người sản xuất ca cao về kỹ thuật sản xuất ca cao đạt năng suất, chất lượng và tiêu chuẩn thị trường, góp phần vào phát triển ca cao bền vững ở Việt Nam.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia