Mục đích của lớp tập huấn là nâng cao nhận thức cho hộ dân ngoài mô hình trong việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ, từ đó áp dụng kiến thức được tập huấn vào thực tế địa phương để tăng hiệu quả kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và nhân rộng mô hình tại địa phương.

Học viên tham dự tập huấn được học về đặc điểm, khả năng sản xuất của một số giống lợn đang nuôi phổ biến tại Việt Nam, kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản theo hướng VietGAHP trong nông hộ, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, kỹ thuật phòng bệnh cho lợn, một số bệnh thường gặp ở lợn và cách phòng trị. Học viên cũng được hướng dẫn xây dựng mạng lưới thú y cộng đồng, hướng dẫn bảo quản và sử dụng vắc xin, thuốc thú y, thực hành chọn giống, chẩn đoán, điều trị bệnh ở lợn và tham quan thực tế mô hình.

Giảng viên, trợ giảng của lớp tập huấn là những người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, có kinh nghiệm, làm việc tại các cơ sở chăn nuôi lợn đã nhiệt tình giảng dạy, tư vấn giúp học viên tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực tế sản xuất và thêm những hiểu biết về kỹ thuật, chính sách trong chăn nuôi lợn.

TS. Liên Hương (TTKNQG) hướng dẫn học viên kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sâu, đưa trực tiếp tinh trùng qua cổ tử cung của lợn để đạt hiệu quả cao nhất

Với phương pháp giảng dạy có sự tham gia, lấy học viên làm trung tâm, sau mỗi chuyên đề, học viên chia thành các nhóm thảo luận, liên hệ kiến thức được học với thực tế chăn nuôi của gia đình. Trong ngày tham quan, thực hành tại mô hình chăn nuôi lợn của dự án, học viên được trải nghiệm, thực hành, so sánh phương pháp chăn nuôi của mình đang thực hiện với phương pháp mà mô hình áp dụng. Qua đó, học viên được giảng viên, chủ mô hình chia sẻ về công tác chọn giống, chẩn đoán, điều trị bệnh ở lợn, xây dựng chuồng trại, vệ sinh môi trường và các tiêu chuẩn đảm bảo yêu cầu của chăn nuôi theo hướng VietGAHP...

Học viên Phạm Văn Từ đến từ xã Cẩm Thăng, là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, đã được tham gia nhiều lớp tập huấn, cho biết: “Tôi đã được tham gia nhiều lớp tập huấn nhưng đây là lần đầu được tập huấn về chăn nuôi lợn áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với mạng lưới thú y cộng đồng theo hướng VietGAHP trong nông hộ. Ở địa phương tôi, các hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo quy mô nhỏ và vừa, từ 5 – 20 con lợn rất nhiều (cả lợn giống và lợn thịt). Sau khi tập huấn, tôi đã hiểu biết về công tác giống, kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP và đặc biệt là chủ động trong công tác phòng trị bệnh cho đàn lợn để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập”.

Nhiều học viên cũng chia sẻ lần đầu tiên được tham gia khóa tập huấn thú vị, bổ ích và hấp dẫn như thế này. Hầu hết học viên bày tỏ mong muốn có cơ hội tham gia các khóa học tiếp theo với kiến thức nâng cao về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức để được trau dồi kiến thức kỹ thuật chuyên sâu hơn./.

Giảng viên và học viên trao đổi kiến thức tại mô hình

Vân Anh