Trong 3 ngày, các học viên đã được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản khi thuyết trình, điều phối, thảo luận nhóm và cách thức tổ chức thực hiện một buổi thuyết trình hiệu quả chất lượng. Đồng thời các học viên được giới thiệu về phương pháp hướng dẫn nông dân trong sản xuất lúa với các nội dung: Điều tra nông dân; Hướng dẫn nông dân thực hiện ruộng ICM – quản lý cây trồng tổng hợp; Nhận biết các thời kỳ sinh trưởng phát triển của lúa để chia nhóm hướng dẫn nông dân cách quản lý chăm sóc cho phù hợp. Đặc biệt các học viên được tiếp cận về kỹ thuật thực hiện ICM (Quản lý dinh dưỡng, chăm sóc cây trồng và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp đối với cây trồng; Phân tích đặc điểm sinh lý của cây lúa ở các giai đoạn và phổ biến nội dung của “3 giảm, 3 tăng”. Tại lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn cách xây dựng mô hình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI với những nguyên tắc cơ bản, khuyến khích cộng đồng sáng tạo, phát triển các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây trồng bền vững trong điều kiện cụ thể của địa phương và dựa trên 5 nguyên tắc: mạ khỏe, cấy thưa (1 cây mạ/khóm), phòng trừ cỏ dại kịp thời (không dùng thuốc trừ cỏ), quản lý nước, bổ sung chất hữu cơ (tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh, giảm hóa học).

Các học viên tham quan và thảo luận đầu bờ mô hình cấy lúa hiệu ứng hàng biên tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục 

Ngoài việc sôi nổi thảo luận trên lớp, lớp tập huấn đã tổ chức tham quan mô hình cấy lúa hiệu ứng hàng biên tại thôn Nghĩa, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam. Tại đây các học viên đã được trao đổi thảo luận đầu bờ về phương pháp này với cán bộ kỹ thuật và cán bộ địa phương trực tiếp chỉ đạo mô hình.

Đây là khóa tập huấn bổ ích và ý nghĩa, vì kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy lôi cuốn hấp dẫn kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, thuyết trình với sự tham gia thảo luận giữa các nhóm, giữa lý luận với tham quan thực tế.

Mai Huê 

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam