Theo thống kê, hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có trên 129.100 con, đàn lợn gần 530.000 con, đàn gia cầm trên 6.500.000 con… Để phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, trước khi bước vào mùa đông, Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã có phương án và hướng dẫn về phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi, qua đó chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương thông tin kịp thời và thường xuyên diễn biến thời tiết khí hậu để người chăn nuôi biết, chủ động phòng chống rét cho vật nuôi; phổ biến kinh nghiệm về việc dự trữ thức ăn và phòng chống rét cho gia súc được rút ra từ các mùa đông năm trước. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Song song với đó, cán bộ thú y tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện bệnh sớm, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn; đặc biệt chú trọng kiểm tra các xã có ổ dịch cũ, kịp thời phát hiện gia súc ốm; tiến hành chẩn đoán, xác minh, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp khoanh vùng, ngăn chặn, dập tắt ngay không để dịch bệnh lây lan. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...

Tại các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Lâm Bình, phương án phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa đông đã được các huyện đặc biệt quan tâm. Cán bộ chuyên môn đã được phân công về các thôn bản để hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn, gia cố chuồng trại, quản lý chăn thả đàn gia súc. Mục tiêu mà các địa phương đặt ra là mỗi gia đình chăn nuôi gia súc (trâu, bò) phải có một cây rơm hoặc nhà rơm và  diện tích cỏ xanh làm thức ăn cho vật nuôi; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân lá cây ngô, mía dự trữ chế biến thức ăn băng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô. 

Bà Vi Thị Bét, thôn Khuôn Lâm, xã Chân Sơn (Yên Sơn) chia sẻ, gia đình bà chăn nuôi trâu, bò đã nhiều năm, tổng đàn trâu hiện có 6 con trong đó có: 3 trâu sinh sản, 3 trâu nghé. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước gia đình đã trồng và duy trì 5 sào cỏ VA06, đánh 1 cây rơm, chuẩn bị đủ bạt che, chắn chuồng trại.

Cũng như nhiều hộ gia đình chăn nuôi khác, những ngày này trước diễn biến phức tạp của thời tiết gia đình anh Cháng A Linh ở thôn Chẩu Quân, xã Bình An (Lâm Bình) đã chủ động căng bạt chống rét và tích trữ nguồn thức ăn chống đói cho gia súc như: rơm, lá mía, cỏ VA06. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và đốt lửa sưởi ấm cho đàn trâu, bò, hạn chế thấp nhất những thiệt hại đáng tiếc do rét đậm, rét hại gây ra. Hiện nay, gia đình anh Linh đang chăn nuôi 9 con trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo. Từ chăn nuôi trâu, bò, bình quân mỗi một tháng gia đình anh có thêm thu nhập hơn 5 triệu đồng, cuộc sống gia đình đã ngày một ổn định, khấm khá hơn trước.

Anh Linh chăm sóc và chống rét cho đàn trâu, bò của gia đình

 

Việc chủ động làm tốt công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa đông không chỉ góp phần bảo vệ tài sản của người dân, mà còn duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc trên địa bàn, từ đó góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển bền vững../.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang