Đồng chí Phạm Đăng Định, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chân Sơn là xã thuần nông, người nông dân ở đây đã quen gắn bó với phương thức canh tác truyền thống cho nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao. Trước thực tế đó, để nâng cao thu nhập cho nông dân, Đảng bộ xã Chân Sơn đã tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa. Từ những lợi thế ban đầu của địa phương, xã đã tập trung trọng tâm vào trồng cây hoa và phát triển thuỷ sản do có lợi thế về nguồn nước từ suối Đèo Hoa, Hồ Ngòi Là với tổng diện tích mặt nước là 106,79 ha (năm 2010 diện tích nuôi thả cá toàn xã là 26 ha; cây hoa 5 ha. Đến cuối năm 2011 diện tích nuôi thả cá đạt 68,9 ha; cây hoa đạt 7,6 ha)… Đồng thời xã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nông dân thay thế cây trồng giá trị kinh tế thấp bằng các giống cây mới phù hợp đồng đất địa phương lại có hiệu quả kinh tế cao như cây hồng Nhân Hậu, bưởi Diễn, dưa bở, mía... Chính vì vậy, từ một xã thuần nông, sản xuất độc canh cây lúa, đến nay, xã Chân Sơn đã lên trở thành một trong những xã điển hình của huyện Yên Sơn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Gia đình anh Phạm Thái Học xóm Trường Sơn (xã Chân Sơn) có tổng diện tích 9.000m2, trong đó có gần 2000m2 đất ruộng. Trước năm 2009, gia đình anh chỉ trông chờ vào thu nhập của 1.000m2 đất lúa 2 vụ và 1.000m2 trồng dưa bở. Cuối năm 2009 gia đình anh cải tạo gần 1000m2 đất thành ao nuôi cá và trồng 4.000m2 mía. Đầu năm 2010, anh về Hà Nội mua giống hồng Nhân hậu và bưởi Diễn về trồng trên diện tích đất còn lại của gia đình. Anh Học cho biết, hiện gia đình anh có 60 gốc hồng và 30 gốc bưởi đang bước vào năm thứ 3. Năm 2011 vừa qua, các nguồn thu từ mía, cá và dưa bở của gia đình khoảng gần 40 triệu đồng. Tới đây trên diện tích đất lúa 1 vụ kém hiệu quả gia đình dự định chuyển toàn bộ sang trồng mía.

Cũng tại xóm Trường Sơn, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Lý Thanh Đường. Anh tâm sự với chúng tôi, các con của anh đang tuổi học, vợ là hội viên Hội phụ nữ xã, nhà chỉ có 4 sào ruộng 2 vụ vừa đủ lương thực cho người, 4 sào ao thu gần 10 triệu/năm. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông anh đầu tư trồng 2000 m2 su hào, bắp cải, súp lơ. Hiện nay diện tích trồng rau cho thu 120.000 đồng/ngày. Ngoài ra, 3 sào trồng hoa lay ơn thu 20 triệu đồng/vụ; 1 sào trồng hoa ly, dịp Tết Nguyên đán vừa qua thu được 75 triệu đồng. Tổng thu khoảng 145 triệu đồng.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bước đầu đạt được một số kết quả, khẳng định được chủ trương đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả cho người sản xuất. Hy vọng sẽ có nhiều mô hình hay, cách làm tốt của nhân dân xã Chân Sơn để từng bước đưa Chân Sơn phát triển trên con đường đổi mới.

Nguyễn Thị Chung – TTKN Tuyên Quang