Để bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hệ thống khuyến nông đã thường xuyên quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất; Là chiếc cầu nối giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đội ngũ khuyến nông trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ nông dân xây dựng thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập như: Mô hình trồng dưa chuột vụ đông, quy mô 49,5 ha/4 huyện (Sơn Dương 40 ha, Na Hang 5 ha, Chiêm Hóa 2,5 ha, Yên Sơn 2 ha) đã thu hoạch được hơn 900 tấn, với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg; Mô hình trồng rau an toàn vụ đông tại phường Ỷ La, Tân Hà (TP Tuyên Quang), quy mô 2,6 ha/15 hộ (01 ha ớt và 1,6 ha rau các loại), cây ớt đang thu hoạch, sản lượng ước đạt 55 tấn/ha/vụ, với giá bán 13.000 đồng/kg; Mô hình sản xuất chè an toàn, quy mô 8 ha/15 hộ tham gia tại xã Kim Quan (Yên Sơn), năng suất chè bình quân đạt 12 tấn/ha/năm, cao hơn so với sản xuất đại trà 3,8 tấn/ha/năm, đã thu mua được gần 100 tấn chè búp tươi cho các hộ tham gia mô hình với giá từ 10 – 17 nghìn đồng/kg; Mô trồng rau an toàn trái vụ (rau bắp cải), quy mô 02 ha/10 hộ tham gia tại xã Khâu Tinh (Na Hang), năng suất đạt 23 tấn/ha, sản lượng đạt 46 tấn, với giá bình quân 8.000 đồng/kg.

Cùng với các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nhiều mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân dân hưởng ứng nhân rộng ra sản xuất như mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống lợn Mán bản địa theo hướng an toàn sinh học năm 2019 trên địa bàn xã Phú Thịnh và xã Trung Sơn (Yên Sơn), với 09 hộ tham gia, quy mô 90 con lợn Mán (09 con đực, 81 con cái). Kế t quả đàn lợn con sinh ra trong năm là 834 con nhân rộng được 19 hộ, trong đó xã Phú Thịnh (437 con), xã Trung Sơn (397 con). Từ hiệu quả của chăn nuôi giống lợn Mán bản địa xã Phú Thịnh đã thành lập một nhóm sở thích chăn nuôi lợn với 16 thành viên tham gia; Mô hình ghép cải tạo nhãn tại xã Thái Bình (Yên Sơn) năm 2018-2019, quy mô 05 ha (2.000 cây), đến cuối tháng 02/2020 đã nhân rộng mô hình lên 6,5 ha; Mô hình giống lúa thuần chất lượng cao VNR 20, quy mô 9,0 ha/144 hộ tại Phường: Ỷ La, Tân Hà (TP Tuyên Quang), năng suất đạt trên 70 tạ/ha; Mô hình giống lúa lai 2 dòng LP1601, quy mô 01 ha/16 hộ tại xã Tân Long (Yên Sơn), năng suất bình quân đạt gần 74 tạ/ha...

Mô hình liên kết trồng dưa vụ đông tại huyện Chiêm Hóa

 

Bên cạnh việc thực hiện các mô hình trình diễn, công tác thông tin tuyên truyền cũng được quan tâm thực hiện. Trong năm 2020, Trung tâm thực hiện được 36 Chuyên mục Khuyến nông trên Đài Phát thanh và Tuyền hình tỉnh; Biên tập và phát hành 06 số với 1.200 cuốn Bản tin Khuyến nông và Thị trường; 60.000 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; 7.200 tờ hướng dẫn sử dụng giống và thời vụ năm 2021; Tổ chức thành công Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi” cho 250 đại biểu của 5 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang và Hòa Bình; Tổ chức 7 lớp tập huấn tại tỉnh cho gần 300 cán bộ khuyến nông, công tác viên khuyến nông và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn tại các huyện, thành phố cho gần 700 lượt cán bộ khuyến nông huyện, xã và các đoàn thể của huyện, thành phố; Tổ chức được 3.191 lớp tập huấn sản xuất cho trên 185.400 lượt hộ nông dân tham gia, trong đó có 16.871 hộ nghèo.

Thời gian tới, hệ thống khuyến nông của tỉnh sẽ tiếp tục bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chiến lược phát triển, quy hoạch ngành nông nghiệp cùng nhu cầu của nông dân để lựa chọn nội dung hoạt động khuyến nông. Trọng tâm là tập trung xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao có khả năng bứt phá và có sức lan tỏa mạnh trên phạm vi rộng, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ tổng hợp (bao gồm cả chuyển giao kỹ thuật, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và xúc tiến liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm). Ưu tiên những mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường thông tin sát với thị trường; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất; tăng cường xúc tiến, liên kết giúp người sản xuất tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa vai trò cầu nối trong liên kết 5 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông”, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang