Đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết

Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh đã thực hiện 67 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, với tổng diện tích thực hiện trên 279 ha. Điển hình như:

Một số mô hình trình diễn giống lúa mới cho năng suất cao như: mô hình giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308, quy mô 01 ha thực hiện tại xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa, năng suất bình quân đạt 73,7 tạ/ha; mô hình giống lúa thuần chất lượng ĐB18, quy mô 3,0 ha thực hiện tại phường Ỷ La, TP Tuyên Quang, năng suất bình quân đạt 65,1 tạ/ha...

Mô hình trồng mới và thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô: 2,65 ha (0,65 ha trồng mới và 2,0 ha thâm canh), với 10 hộ tham gia thực hiện tại xã Tân Trào huyện Sơn Dương. Mô hình sử dụng giống chè mới (TRI.50) có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng, để dần thay thế các giống chè cũ có năng suất thấp tại địa phương. Áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất chè tăng 10% so với sản xuất đại trà, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình sản xuất chè an toàn theo VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình, góp phần thay đổi tập quán canh tác chè truyền thống sang đầu tư thâm canh chè an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái.

Một trong những mô hình cây trồng mới nhưng bước đầu đã đạt được hiệu quả ổn định, thu hút được đông đảo người dân tham gia, đó là mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh. Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty Cổ phần nông nghiệp An Phước và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh lấy sợi tại xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương, quy mô 10 ha. Sau khi trồng được 7 tháng, tháng 4 năm 2022, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả bước đầu mô hình tại hiện trường. Kết quả đánh giá cho thấy cây gai xanh sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 95%, năng suất vỏ khô đạt 30,9 kg/lứa/sào (tương đương 859 kg/lứa/ha) cho thu nhập trên 33 triệu đồng/ha/lứa, một năm cho thu hoạch từ 4 - 5 lứa. Đến nay, mô hình đã nhân rộng được trên 70 ha tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn và huyện Na Hang.

Song song với chương trình liên kết chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo, vụ xuân năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (Hợp tác xã) thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối (sử dụng giống ngô NK7328 và giống ngô SSC586), quy mô 55,4 ha, trong đó 47,9 ha tại xã: Tràng Đà, Nông Tiến, Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang) và 7,5 ha tại xã: Cấp Tiến, Tân Trào, Minh Thanh thuộc huyện Sơn Dương. Các hộ tham gia mô hình được Hợp tác xã tạm ứng giống, phân bón (nếu hộ có nhu cầu) để trồng và trả lại tiền khi thu hoạch sản phẩm. Qua theo dõi đánh giá cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, cho sinh khối cao, thời gian sinh trưởng ngắn từ 80 - 85 ngày, tiết kiệm công chăm sóc và thu hoạch, năng suất bình quân đạt trên 49 tấn/ha. Hợp tác xã đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Cùng với sự phát triển và mở rộng mô hình liên kết, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Hợp tác xã Chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, huyện Sơn Dương; Hợp tác xã nông nghiệp xanh huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện mở rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột và dưa chuột Nhật tại các xã trên địa bàn huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hoá với diện tích trên 80 ha và tổ chức thu mua được trên 3.290 tấn quả, với giá thu mua từ  2.500 - 6.000 đồng/kg.

Bàn giao giống, vật tư mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tại xã Thanh Tương (Na Hang)

Mở rộng sản xuất sạch, an toàn

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, HTX và doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh, xây dựng hệ thống các kênh thông tin để nắm chắc, kịp thời tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất và đầu tư thâm canh gỗ rừng trồng, chè, mía... để chủ động nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông sản có hợp đồng liên kết, sản phẩm có thị trường tiêu thụ thuận lợi. Đẩy mạnh kết nối, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy, cơ sở chế biến, hợp tác xã, trang trại có kế hoạch điều chỉnh quy mô sản xuất theo tín hiệu, yêu cầu của thị trường; tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,… vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Cùng với nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đã đánh giá phân hạng, tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ thể lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP năm 2022 (dự kiến có 93 sản phẩm đề nghị phân hạng mới và đề nghị nâng hạng 3 sao lên 4 sao là 7 sản phẩm, nâng hạng 4 sao lên 5 sao là 01 sản phẩm); chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố quản lý các sản phẩm OCOP, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng; đến nay, toàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP/64 xã, phường, thị trấn của 85 chủ thể (gồm: 65 hợp tác xã, 08 doanh nghiệp, 05 tổ hợp tác và 07 hộ kinh doanh), trong đó có 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP sẽ được tỉnh ưu tiên lựa chọn, giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee… Sau khi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn (nhu cầu thị trường mở rộng, giá bán sản phẩm tăng cao hơn so với thời điểm chưa tham gia Chương trình OCOP). Để đáp ứng nhu cầu thị trường, một số chủ thể mở rộng quy mô sản xuất vùng nguyên liệu (liên kết giữa các chủ thể OCOP, HTX với người dân trên địa bàn) tăng sản lượng đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các thành viên liên kết./.

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang