Tọa đàm thu hút gần 100 nông dân là các hộ chăn nuôi lợn trên địa tỉnh

 

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, đến ngày 31/8/2021, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 544.200 con (trong đó đàn lợn đen bản địa chiếm 15%). Tỉnh đã quy hoạch 173 vùng chăn nuôi lợn thịt bản địa đặc sản tại 4 huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên. Trong đó, Na Hang 62 vùng, Lâm Bình 28 vùng, Chiêm Hóa 53 vùng, Hàm Yên 30 vùng. Việc quy hoạch vùng chăn nuôi lợn đặc sản tại các huyện vùng cao vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tạo điểm nhấn về hàng hóa đặc sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua rà soát, tỷ lệ chăn nuôi lợn đen địa phương, lợn rừng lai tại các huyện này chiếm khoảng 60 % tổng đàn tại khu vực.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã khiến ngành chăn nuôi của tỉnh bị thiệt hại khá lớn. Tỉnh đã buộc phải tiêu hủy 29.513 con lợn, tương đương 1.424 tấn lợn hơi. Hiện DTLCP có chiều hướng giảm, đã có 116 xã công bố hết dịch. Qua rà soát sơ bộ, có khoảng 23% số hộ nuôi lợn bị DTLCP đã tái đàn, khoảng 2% chuyển đổi sang chăn nuôi khác.

Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2019, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với quy mô 90 con, thuộc 9 hộ gia đình của xã Trung Sơn, Phú Thịnh (Yên Sơn). Đến nay, đàn lợn tăng trưởng, phát triển đồng đều, khỏe mạnh, nhanh lớn, sinh sản đúng chu kỳ, đã nhân rộng thêm mô hình tại xã Tân Tiến (Yên Sơn). Đến thời điểm này, đã có 856 con của 94 hộ và đã thành lập được 2 tổ nhóm nuôi lợn đen bản địa tại xã Phú Thịnh và xã Trung Sơn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận về việc liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm để đem lại giá trị kinh tế cao; cách xử lý môi trường xung quanh chuồng trại; hướng dẫn kỹ thuật phòng và trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi lợn bản địa an toàn, hiệu quả; các cơ chế, chính sách để phát triển giống lợn bản địa tại địa phương…

Các chuyên gia giải đáp những thắc mắc trong quá trình sản xuất của bà con nông dân

 

Cũng tại tọa đàm, Hợp tác xã Công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang đã cam kết cùng với người chăn nuôi của xã Trung Sơn, Phú Thịnh thực hiện chuỗi liên kết cung ứng con giống lợn rừng lai, lợn bản địa, cám sinh học và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ các hộ chăn nuôi thành lập hợp tác xã, hướng dẫn thực hiện sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.

Trước đó, trong chương trình của buổi tọa đàm, đại biểu và bà con nông dân được tham quan mô hình nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Nguyễn Văn Ngôn Thôn cướm, xã Trung Sơn và gia đình ông Đặng Kim Huế, thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh (Yên Sơn)./.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Nguyễn Văn Ngôn

 

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang

 

Phóng sự về mô hình nuôi lợn đen bản địa tại Tuyên Quang