Tại hội nghị, ông Benjamin Petlock – Tùy viên cao cấp nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Bộ NN & PTNT Việt Nam, trong đó có kết quả của việc ứng dụng phần mềm “xây dựng khẩu phần thức ăn” cho bò, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, , tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu chi phí sản xuất.

Trong khuôn khổ dự án, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã hỗ trợ việc phân tích dinh dưỡng và bổ sung 160 loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam vào cơ sở dữ liệu của phần mềm (thông qua Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi và Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Các chuyên gia chăn nuôi từ Đại học California (UC) Davis đã thiết kế phần mềm và hướng dẫn cho cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật của một số địa phương phát triển chăn nuôi bò và một số công ty bò sữa sử dụng phần mềm. 

Toàn cảnh hội nghị

 

Phần mềm rất có ý nghĩa, giúp các trang trại chăn nuôi xây dựng khẩu phần thức ăn cho bò sữa, bò thịt từ nguồn nguyên liệu thức ăn có sẵn theo mùa, theo vùng tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, phát huy tiềm năng năng suất của bò đặc biệt là đã giảm phát thải khí nhà kính. Đây là phần mềm đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam để xây dựng khẩu phần thức ăn cho bò và tính được lượng khí phát thải tương ứng. Từ năm 2013 đến năm 2019, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tập huấn về hướng dẫn sử dụng phần mềm xây dựng khẩu phần thức ăn cho bò sữa, bò thịt, kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính cho khoảng 300 cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật của một số địa phương phát triển chăn nuôi bò và một số công ty bò sữa.

Theo GS. TS. Nguyễn Xuân Trạch, nguyên Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVNNVN), chuyên gia đầu ngành chăn nuôi trâu bò tại Việt Nam đã đánh giá cao giá trị phần mềm, vừa có ý nghĩa thực tiễn, vừa có ý nghĩa trong giảng dạy cho sinh viên đại học và trên đại học vì phần mềm này không quá phức tạp, có thể sao chép, cài đặt, sử dụng trên các máy tính. Khoa Chăn nuôi, HVNNVN đã giới thiệu phần mềm cho 5.785 sinh viên và 43 nông dân. Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Việc ứng dụng phần mềm xây dựng khẩu phần thức ăn cho bò có tác động đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, trong chăn nuôi bò thịt đã giúp người sản xuất cân đối, tận dụng tài nguyên thức ăn tại chỗ, các chế phụ phẩm có sẵn, kết quả bò thịt tăng trọng tốt, giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Về hiệu quả môi trường, giúp giảm khí metan phát thải ra môi trường”.

Bà Hạ Thúy Hạnh- PGĐ TTKNQG đánh giá cao hiệu quả tác động của phần mềm.

 

Tuy nhiên, qua triển khai thực tế cho thấy, hiện phần mềm này mới thích hợp với đối tượng là trang trại chăn nuôi lớn, chuỗi liên kết, hợp tác xã. Nông hộ chăn nuôi nhỏ rất khó ứng dụng vì tốn kém nguồn lực đầu tư. Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Theo tính toán, sản xuất 1 kg thịt bò nuôi theo phương pháp truyền thống sẽ phát thải ra môi trường hơn 295kg khí CO2 quy đổi. Muốn người chăn nuôi áp dụng phần mềm thì chúng ta phải có cơ chế giá nhằm tiến tới nền sản xuất carbon thấp. Do đó chúng tôi kiến nghị cần đưa cơ chế giá carbon thấp vào kế hoạch, chiến lược của ngành nông nghiệp.

Tiếp nối kết quả đạt được, phần mềm cần được áp dụng rộng rãi như là tiêu chuẩn thực hành tốt nhất đối với ngành chăn nuôi gia súc. Hy vọng, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hơn nữa phầm mềm để đưa vào hệ thống chính sách, các chương trình chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

 

                                                 Tin: Trần Thị Thu Hiền

Ảnh: Nguyễn Thị Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia