Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của 235 đại biểu là đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT); lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng đông đảo nông dân đến từ 5 tỉnh phía Bắc (Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên và Phú Thọ).

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất trong nông nghiệp đã được những thành tựu nổi bật, sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng. Trong tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước đạt 3,37 tỷ USD, tăng 9,93% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng năm 2018 ước đạt 29,54 tỷ USD vượt 1,3% mục tiêu quý đã đề ra.

Sản xuất nông nghiệp thời gian qua mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng còn rất nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề hiện nay là chuỗi giá trị nông sản còn ít và ngắn, giá trị gia tăng trong chuỗi còn thấp. Để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thì sản xuất phải đảm bảo an toàn thực phẩm, nông sản phải được truy xuất nguồn gốc và phải xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Tại thị trường trong nước, chỉ có khoảng 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký thương hiệu, vẫn còn hơn 80% nông sản được tiêu thụ mà chưa xây dựng được thương hiệu, không có biểu tượng lô-gô, nhãn mác nên giá trị sản phẩm không cao.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trong nước hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều địa phương. Tại một số địa phương đã hình thành vùng chuyên canh, sản xuất tập trung lớn. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng chỉ dẫn địa lý và có trang thông tin nông sản nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản. Đây là nơi để các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tìm hiểu về nông sản sạch, an toàn. Nhà sản xuất có chỗ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm bạn hàng, người tiêu dùng tìm và kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm sạch với độ tin cậy được bảo đảm.

Các đại biểu tham quan khu sơ chế, đóng gói nông sản sạch của HTX rau an toàn VISA (tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc)

Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm gần đây ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc, với tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 3 năm (2016 – 2018) đạt 3,44%/năm. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp vẫn tồn tại một số hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế; khả năng kết nối sản xuất với thị trường gặp nhiều khó khăn... Do đó, tỉnh đã đưa ra các chiến lược về tổ chức sản xuất, đồng thời ban hành các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo lợi thế của địa phương, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như vùng sản xuất chăn nuôi lợn, thanh long ruột đỏ, rau an toàn, lúa chất lượng,… Đến hết năm 2017, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 128 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP gồm: 71 cơ sở sản xuất rau, quả với diện tích trên 700 ha, sản lượng khoảng 35 ngàn tấn/năm, 39 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, sản lượng sản xuất khoảng 3.000 tấn thịt/năm; 13 cơ sở nuôi thủy sản, diện tích 60,2 ha, sản lượng khoảng 250 tấn/năm; 03 cơ sở chăn nuôi bò sữa và 06 cơ sở chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. Cùng với xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản an toàn, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa.

Tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc

Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do, thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng rộng mở nhưng áp lực cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt. Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường đòi hỏi các sản phẩm nông sản phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng như người sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm do chưa thực sự thấy rõ tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Ngoài ra, hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn nhiều bất cập, khó triển khai trong thực tiễn tại địa phương; Khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm còn yếu; Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu chưa tập trung, thiếu bài bản; Chiến lược tiếp cận thị trường gắn với thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức...

Bên cạnh đó, việc sản xuất nông sản ở các địa phương hiện nay chủ yếu ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không ổn định, nông dân chưa quan tâm đến việc ghi chép nhật ký đồng ruộng nên không thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Thêm vào đó là thiếu các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nên rất khó khăn trong việc đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu nông sản. Ngoài ra, hàng nông sản Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát… khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Thông qua trao đổi tại Diễn đàn, các đại biểu đã thống nhất đưa ra một số giải pháp để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản:

- Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, người sản xuất cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.

- Quy hoạch, thiết lập vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.

- Xây dựng quy chuẩn cho sản phẩm để đảm bảo tính minh bạch

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tập huấn kỹ thuật cho nông dân, tập huấn nâng nao năng lực quản trị cho đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã kiểu mới.

- Xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản

- Khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất.

Trong mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ với sự liên kết 6 nhà (Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối), yếu tố công nghệ cao, các mô hình sản xuất, các mô hình dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp, người nông dân được phát triển một cách đồng bộ và đầu tư chiều sâu, gắn với chuỗi giá trị trong nước cũng như thị trường quốc tế. Để hiện thực hoá được chuỗi giá trị này, việc đầu tư xây dựng thương hiệu cho nông sản được xem là giải pháp cấp bách. “Bản thân người nông dân không thể làm được mà cần nhất là vai trò chủ lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần bắt tay với nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm...”, ông Khởi khẳng định.

Ánh Nguyệt