Khóa tập huấn bắt đầu từ đầu tháng 6, gồm 14 buổi học lý thuyết và thực hành theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa. Với mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ năng cho học viên cả về chuyên môn và thực hành nên lớp học được bố trí các thí nghiệm ngay trên đồng ruộng, thông qua các thí nghiệm để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong thực tế sản xuất.

Các học viên thảo luận tại lớp học

Đổi mới phương pháp tập huấn

Trước đây, các lớp tập huấn chủ yếu được tổ chức tại hội trường, thời gian thực hành không có nhiều và cũng chủ yếu thực hành tại lớp. Với lớp học này, đồng ruộng chính là lớp học, cây trồng và các đối tượng liên quan tới cây trồng là công cụ học tập.

Lớp học được chia làm 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm được phân 2 lô ruộng, mỗi lô có diện tích 250m2 để tiến hành thí nghiệm về mật độ cấy (công thức 1:16 khóm/m2; công thức 2:20 khóm/m2; công thức 3:25 khóm/m2 và công thức 4:30 khóm/m2) và công thức bón phân (công thức 1:giảm 50% lượng bón thúc lần 1; công thức 2: giảm 40% lượng bón thúc lần 1; công thức 3: giảm 20% lượng bón thúc lần 1; công thức 4: không giảm).

Các nhóm học đều phải trực tiếp bố trí thí nghiệm, triển khai và theo dõi các thí nghiệm trong suốt thời gian sinh trưởng phát triển của cây lúa. Phân công các thành viên trong tổ viết báo cáo định kỳ hàng tuần và báo cáo trước lớp học tại buổi học tiếp theo.

Nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng thuyết trình, thảo luận nhóm

Trước mỗi buổi học, giáo viên và học viên cùng quan sát, thu thập mẫu sâu bệnh hại trên ruộng thí nghiệm, sau đó học viên về lớp thảo luận theo từng nhóm sâu bệnh hại, thiên địch và vẽ bức tranh hệ sinh thái ruộng lúa. Luân phiên đại diện từng nhóm lên trình bày về các yếu tố ảnh hưởng đến cây lúa, phân tích tình trạng cây lúa ở từng thời điểm hiện tại và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả. Qua đây học viên vừa được nâng cao kiến thức chuyên môn vừa được rèn luyện kỹ năng báo cáo, thuyết trình.

Học viên điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng

Hơn nữa, tại lớp học này, học viên được tìm hiểu sâu về sinh lý của cây lúa qua từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, được trực tiếp bố trí Chính vì vậy mà kiến thức chuyên môn cũng như tay nghề của học viên được nâng cao rất nhiều.

Theo báo cáo tổng kết, lớp học đã thu được một số kết quả tốt. Đối với ruộng thực nghiệm IPM do áp dụng biện pháp canh tác lúa tiên tiến và phòng trừ dịch hại tổng hợp nên đã giảm chi phí về giống, phân bón, hạn chế lúa đổ ngã, giảm công lao động, giảm thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất và hiệu quả cao hơn 350.000 đồng/sào BB so với ruộng canh tác lúa theo tập quán của nông dân (1 sào BB = 360 m2).

Ngoài ra, các học viên trong lớp còn được tham quan học tập những mô hình sản xuất lúa theo phương pháp mới như cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên, mô hình cấy lúa bằng mạ khay máy cấy tại huyện Yên Lạc, từ đó có những kiến thức để triển khai các mô hình khuyến nông tại địa phương

Qua bài kiểm tra cuối khóa, số học viên đạt loại loại giỏi chiếm 60%, loại khá là 40%, không có học viên xếp loại trung bình, trong khi bài kiểm tra đầu khóa số học viên đạt loại khá là 50%, loại trung bình là 40% và 10% số học viên đạt loại yếu. Hơn 60% học viên sau khi tham qua khóa học có khả năng đứng lớp và hướng dẫn cho bà con nông dân về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để nâng cao trình độ canh tác, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế sâu bệnh và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn.

Mạnh Hà

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc