Các học viên tham gia tập huấn chụp ảnh lưu niệm

 

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giảng viên truyền đạt về kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn; được nghe giới thiệu một số loại giống tiến bộ như: dòng bạch đàn lai mô (GLGU9; GLSE9; GLU4; Cự vĩ 32-29) được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn bằng các loại giống tiến bộ này. Đây là những dòng mới, khi đưa vào trồng tỷ lệ sống cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, cây to mập, độ đồng đều cao, thân thẳng đứng, tán nhọn, có khả năng kháng chịu tốt với sâu bệnh hại. Các học viên cũng được hướng dẫn kỹ thuật về chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ kinh doanh ngắn) từ 4-6 năm sang rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ dài trên 10 năm). Trong đó đặc biệt chú trọng đến các phương pháp xác định điều kiện lập địa, thời vụ trồng, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng tỉa thưa, quản lí bảo vệ rừng, phòng chống sâu bệnh hại rừng và bảo vệ rừng gỗ lớn. Đồng thời được hướng dẫn về trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Sau buổi tập huấn, các học viên còn được đi tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm về mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống bạch đàn lai mô dòng UP54; UP99 trên 3 năm tuổi, tại xã Vũ Linh (huyện Yên Bình).   

Qua đợt tập huấn, tham quan các học viên đã nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC; đồng thời nâng chu kỳ sản xuất rừng trồng đạt 10 năm trở lên sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng rừng gỗ nhỏ làm nguyên liệu dăm giấy. Ngoài ra, việc trồng rừng gỗ lớn cũng góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng, chống lũ lụt, hạn hán./.

Lê Thị Hải Yến

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái