Tổ nông dân sản xuất lúa giống ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành được thành lập vào năm 2012, mô hình do Hội nông dân xã phát động thành lập có 22 hộ nông dân tham gia sản xuất trên diện tích 23 ha với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm KNKN Trà Vinh, nhằm cung ứng nguồn lúa giống phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bà con Tổ sản xuất lúa giống kiểm tra ruộng lúa sản xuất theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI).

Để Tổ nắm bắt được các quy trình sản xuất, Trung tâm KNKN Trà Vinh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nhân và sản xuất lúa giống kết hợp tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các nơi, nhằm giúp bà con áp dụng đúng các qui trình sản xuất và thực hiện biện pháp né rầy.

Biện pháp thực hiện như sau: Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa ở vụ trước, thực hiện cày vùi gốc rạ, lúa chét, vùi mầm… không tiếp tục xuống giống để cắt mầm bệnh. Khi có lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo thì mới xuống giống, với 2  loại giống nguyên chủng được các Viện, Trường cung cấp là OM 4900, OM 5451, OM 6976... để sản xuất lúa xác nhận cung cấp cho nông dân sử dụng. Qui trình bón phân phải đúng theo bảng so màu lá, thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng thuốc khi cần thiết theo nguyên tắc “4 đúng”. Đặc biệt, trong vụ lúa thu đông 2014, Trung tâm KNKN tỉnh đã hỗ trợ Tổ mô hình hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI). Đây là biện pháp ứng dụng kỹ thuật mới để giảm mật độ gieo cấy, giảm nước tưới, giảm phân hóa học và thuốc trừ sâu nhằm tăng năng suất lúa và hiệu quả kinh tế.

Ông Lê Đức Tuấn, nông dân tham gia mô hình cho biết: “Ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI áp dụng quản lý nước hợp lý và tiết kiệm theo phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ”... cây phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, hạn chế cỏ dại, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, lúa không bị đổ ngã. Ruộng cấy bằng máy mật độ khá thưa 22 bụi/m2 và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN Trà Vinh hướng dẫn thực hiện theo qui trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) nên lúa đẻ nhiều chồi hữu hiệu cao, trung bình 15 bông/bụi, mỗi bông có 90 - 95 hạt chắc, năng suất đạt trên 7,4 tấn/ha”

Nhờ thực hiện theo đúng qui trình kỹ thuật, các nông hộ sản xuất lúa đạt hiệu quả. Theo tính toán của các hộ nông dân, năng suất mô hình SRI đạt 7,4 tấn/ha. Lợi nhuận đạt trên 21,5 triệu đồng/ha, trong khi sản xuất đại trà lợi nhuận chỉ đạt gần 12,6 triệu đồng/ha. Ngoài ra, khi ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa giống, chi phí sản xuất giảm 3,76 triệu đồng/ha (trong đó, giảm chi phí phân bón 210.000 đồng/ha, thuốc bảo vệ thực vật 550.000 đồng/ha và công cấy là 3 triệu đồng/ha).  

Từ mô hình Tổ sản xuất lúa giống ở ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành bước đầu đã đem lại hiệu quả cho kinh tế nông hộ. Đây là một mô hình cần nhân rộng.

                                                                                Nguyễn Tân