Để khắc phục những hạn chế như diện tích đất manh mún, thói quen sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân, mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều…, thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Tam Đảo đã tập trung nghiên cứu và triển khai nhiều mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Hướng trọng tâm vào việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, các mô hình trình diễn khuyến nông được thực hiện đúng quy trình, hiệu quả đã mở ra những cơ hội mới để bà con nông dân trên địa bàn huyện được tiếp cận với các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và giá trị kinh tế cao.

Có mặt tại xã vùng cao Hồ Sơn, nơi được coi là “thủ phủ” của nghề trồng su su lấy ngọn, chúng tôi thực sự bất ngờ trước những hiệu quả kinh tế của mô hình này. Trên cơ sở kết quả tích cực từ mô hình trình diễn và sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nhiều hộ dân ở đây đã giàu lên từ trồng su su lấy ngọn. Với giá bán thu mua tại ruộng của thương lái dao động từ 8 - 10 nghìn đồng/kg (loại chưa nhặt) và 14 - 15 nghìn đồng/kg (loại nhặt sẵn), trên diện tích 1 ha, mỗi vụ trồng su su có thể mang lại cho người sản xuất mức thu nhập hàng chục triệu đồng. Được biết, đến nay trên địa bàn huyện Tam Đảo đã phát triển được trên 250 ha chuyên canh su su lấy ngọn, tập trung tại nhiều địa phương như: xã Hồ Sơn, Tam Quan, Đại Đình, Hợp Châu, Minh Quang, thị trấn Tam Đảo…

Cùng với mô hình trồng su su lấy ngọn, nhiều mô hình trình diễn khuyến nông khác đã được triển khai thành công và nhân rộng, qua đó góp phần trực tiếp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên cùng một đơn vị canh tác. Điển hình như các mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cây cà tím và mô hình nuôi cá tầm, cá nheo Mỹ tại Đạo Trù; mô hình trồng rau, hoa tại thị trấn Tam Đảo; mô hình nuôi lợn nái sinh sản ở Bồ Lý, Yên Dương; mô hình nuôi gà đẻ trứng ở Tam Quan, nuôi chim bồ câu ở Hợp Châu; mô hình trồng cây dược liệu ba kích với diện tích trên 10.000 m2 tại Đại Đình… Đó còn là tiền đề để Tam Đảo dần hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Gắn liền với các mô hình trình diễn, hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cũng được Trạm Khuyến nông huyện Tam Đảo thực hiện có hiệu quả. Riêng trong năm 2014, thông qua việc mở 30 lớp tập huấn kỹ thuật đã có hơn 2.000 nông dân được trang bị các kiến thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Nông dân Tam Đảo đã đạt năng suất 2,7 - 3 tấn/ha nhờ trồng cà chua ghép trên gốc cây cà tím

Phát huy tốt hiệu quả của các mô hình trình diễn khuyến nông, sản xuất nông nghiệp của huyện Tam Đảo thời gian qua đã thực sự có nhiều “khởi sắc” quan trọng. Trong năm 2014, tổng diện tích gieo trồng cả năm của huyện là 7.595,7 ha; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt gần 32,5 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy, tính chung trên địa bàn toàn huyện Tam Đảo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 6,85%, giảm 2,44% so với năm 2013. Số hộ có thu nhập hàng năm từ 100 triệu trở lên từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều… Ông Bùi Văn Cầu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Tam Đảo phấn khởi chia sẻ: “Trên cơ sở đẩy mạnh các mô hình trình diễn, hoạt động khuyến nông đã không chỉ góp phần thay đổi cách nghĩ, thói quen sản xuất mà còn giúp người nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống của người sản xuất”.

Được biết, thời gian tới Trạm Khuyến nông huyện Tam Đảo sẽ phát huy kết quả đạt được, tiếp tục nghiên cứu, triển khai và nhân rộng các mô hình trình diễn đạt hiệu quả, đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật để nông dân có thêm kiến thức, áp dụng thành công trong sản xuất từ đó tiếp tục góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Tạ Quang Đạo