Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, hội nghị DAA9 là cơ hội lớn để các doanh nghiệp quảng bá về các hoạt động nuôi trồng, kinh doanh thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản, thức ăn, thuốc thú y và khoa học công nghệ trong lĩnh vực thú y ở thuỷ sản. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác Việt Nam và quốc tế mở rộng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, thị trường buôn bán thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản nhằm mục đích thúc đẩy ngành nuôi trồng thuỷ sản tăng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sinh thái.
Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu bao gồm các nhà khoa học chuyên ngành thú y, sinh viên ngành thủy sản, nhà nghiên cứu và những cá nhân làm trong ngành thủy sản đến từ hơn 30 quốc gia. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến ứng dụng an toàn sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản, các bệnh ký sinh trùng ở thuỷ sản, các dịch bệnh phổ biến ở cá rô phi, cá tra, tôm… Bên cạnh đó, các vấn đề về chăn nuôi và quản lý thuỷ sản khi có dịch bệnh cũng được các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Ban tổ chức, hội nghị lần này cũng sẽ tập trung thảo luận về tình hình dịch và các vấn đề liên quan đến bệnh gan tuỵ cấp tính (EMS/AHPND) ở con tôm. Đây là loại bệnh được xem là một trong những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian tới ở khu vực châu Á. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà nghiên cứu phân tích về bệnh học, dịch tễ và một số phương pháp để kiểm soát dịch bệnh mới nổi này; đồng thời, một số quốc gia đưa ra các sáng kiến để đối phó với căn bệnh này. Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 28/11/2014./.

TTXVN