Sau cải cách ruộng đất năm 2010, khoảng 75% diện tích đất nông nghiệp ở Kyrgyzstan do tư nhân quản lý và 25% do nhà nước quản lý. 90% sản lượng nông nghiệp là sản phẩm của khu vực tư nhân. Với hơn 300.000 trang trại, ngành nông nghiệp đóng góp vào GDP là 25%. Hầu hết các trang trại có quy mô nhỏ (0,5-0,7 ha) và được điều hành bởi các hộ nông dân.

"Sau sự sụp đổ của Liên Xô, nông nghiệp Kazakhstan vẫn có nhiều vấn đề môi trường từ sự quản lý kém trong những năm thời Liên Xô. Rất ít người biết làm thế nào để canh tác trên mảnh đất của họ, họ không biết cách sử dụng phân bón ra sao và cách phòng trừ sâu bệnh như thế nào". Kalybek Mursadairov, người đứng đầu ngành nông nghiệp trong Kemin rayon, tỉnh Chui nói. Với hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, kiến thức về công nghệ hiện đại trong trồng trọt vẫn còn là một trở ngại nghiêm trọng do người dân thiếu kinh nghiệm cũng như thiếu phương tiện truyền thông và thiết bị hiện đại. Do vậy, nhu cầu của người nông dân về kiến thức kỹ thuật lớn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Kyrgyzstan đặt ra mục tiêu là cung cấp hỗ trợ phát triển năng lực của nông dân và đẩy mạnh quản lý cây trồng, kỹ thuật bảo vệ thực vật hiện đại.

Dự án của FAO được tiến hành để giải quyết khoảng cách về kiến thức sản xuất nông nghiệp thông qua các lớp học hiện trường. Các chuyên gia làm việc với nông dân để giới thiệu phương pháp tiếp cận tiết kiệm nguồn tài nguyên mới như nông nghiệp bảo tồn và quản lý dịch hại tổng hợp.

Duishonbek Asanaliev đã tiến hành 2 thí nghiệm. Thí nghiệm thứ nhất là tổ chức sản xuất và canh tác lúa mì như bình thường. Thí nghiệm thứ hai là sử dụng giống lúa mì "Janym", - một giống lúa mỳ địa phương được chọn tạo bởi các nhà chọn giống của Kyrgyzstan, và canh tác theo các kiến ​​thức thu được từ lớp học hiện trường. Kết quả, sản lượng lúa mì thu được từ thí nghiệm thứ 2 cao hơn nhiều so với sản lượng lúa mì thu được từ thí nghiệm thứ nhất, và người nông dân quyết định áp dụng kiến ​​thức học được từ lớp học hiện trường để áp dụng cho sản xuất trên mảnh đất của họ.

Mira Junusova, tác giả của giống "Janym", cũng đã tham gia vào thí nghiệm. Bà lưu ý rằng nên gieo lúa mì "Janym" vào cuối tháng Tư nhưng thực tế lúa mì có thể được gieo ngay sau khi tuyết đã tan. Khi gieo vào đầu mùa xuân, giống này có thể mang lại 55-60 tạ thóc trên mỗi ha. Hơn nữa, giống lúa mì "Janym" không cần tưới nước thường xuyên vẫn phát triển tốt và hàm lượng gluten thấp. Bà Junusova cũng khuyên nông dân nên sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng.

"Lớp học hiện trường là một lớp học bình thường nhưng không có tường - bởi vì nó được tổ chức ở ngoài đồng ruộng" Kayirkul Kasylaeva của tổ chức Agrolid, một trong những đối tác của FAO nói. "Tuy nhiên, lớp học này là một cuốn sách dành cho người nông dân."

Ông Tasin Izatov, ở Issyk-Ata rayon, hiện gia đình ông sử dụng 60 ha đất cho trồng trọt và quản lý 50 đầu gia súc. Ông là một trong những nông dân đầu tiên được tham gia dự án. "Tôi đã canh tác gần 20 năm nhưng mỗi ngày tôi có thể học được một vài điều gì mới tại lớp học hiện trường", ông nói. "Càng biết nhiều thì tôi lại càng hiểu được rằng kiến thức mà mình biết còn quá ít”.

"Năm này qua năm khác, độ phì nhiêu của đất đang giảm dần, người dân đang phải đối mặt với sâu bệnh phá hại mùa màng, Omurbek Mambetov, tư vấn quốc gia của FAO giải thích. "Vì vậy, chiến lược của dự án - ngoài việc cung cấp thiết bị nông nghiệp đặc biệt - còn cung cấp đào tạo cho những người nông dân tiên tiến nhất thông qua các lớp học hiện trường".

Năm nay lượng mưa ở Kyrgyzstan thấp và người dân nông thôn đang xem xét những thiệt hại của họ. Họ nói rằng trong một thời gian dài thiếu nước, công nghệ nông nghiệp bảo tồn của FAO đặc biệt quan trọng cho đất nước.

Thanh Huyền – TTKNQG

                                                                                (Theo FAO)