Báo cáo đăng trên tạp chí Diễn đàn Tài nguyên Thiên nhiên Liên Hiệp Quốc. Báo cáo đề xuất trồng cây, cày sâu và trồng cây trồng chịu mặn, đồng thời với đào rãnh thoát nước hay mương xung quanh vùng đất bị nhiễm mặn. Các phương pháp này tuy tốn kém nhưng các tác giả cho rằng, nếu không hành động thì cái giá phải trả sẽ tồi tệ hơn. Ước tính chi phí toàn cầu vào khoảng 27,3 tỷ USD.
Manzoor Qadir, tác giả đứng đầu nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Nước, Môi trường và Sức khỏe của trường Đại học Liên Hiệp Quốc (UNU-INWEH) cho biết: “Để nuôi sống dân số thế giới lên tới 9 tỷ người vào năm 2050 với rất ít diện tích đất năng suất còn lại, đây là lúc tất cả các vùng đất cần phải có hiệu quả. Chúng tôi không thể khôi phục lại hiệu suất của đất nhiễm mặn”.
Nhiều vùng trên phạm vi 75 quốc gia bị nhiễm mặn, bao gồm lưu vực biển Aral ở Trung Á, lưu vực sông Ấn – Hằng ở Ấn Độ và lưu vực sông Hoàng Hà ở Trung Quốc gây ảnh hưởng đến năng suất nhiều loại cây trồng quan trọng.
Ví dụ, ở Ấn Độ, sản lượng lúa mỳ, lúa gạo, mía đường và bông đang gặp rủi ro, những cây trồng này đều thiết yếu đối với đời sống con người. Ở lưu vực sông Cô-lô-ra-đô, báo cáo cho thấy thiệt hại do muối gây ra có thể lên tới 750 triệu USD mỗi năm ở Mỹ.
Đồng tác giả, Zafar Adeel từ UNU-INWEH cho biết: “Một phần lớn diện tích đất bị nhiễm mặn ở các quốc gia đang phát triển đã được đầu tư hệ thống tưới và thoát nước, song cơ sở hạ tầng không được bảo dưỡng và quản lý đúng cách. Những nỗ lực nhằm khôi phục vùng đất này trở lại hiệu suất cao nhất là cần thiết do dân số thế giới và nhu cầu lương thực tăng lên, đặc biệt ở thế giới đang phát triển”. 
Các tác giả dự đoán, sản lượng lương thực cần phải tăng 70% vào năm 2050 để nuôi sống dân số thế giới đang tăng nhanh. Một trong những phương pháp đề xuất để đối phó với thiệt hại do muối đã được phát triển bởi một nông dân người Hà Lan. Marc van Rijsselberghe cho biết đã trồng được khoai tây có thể được tưới bằng nước muối. Cây trồng của ông có thể giảm sức ép đối với nguồn nước sạch và đã cho thu hoạch 50 tấn khoai tây chịu mặn trong năm nay. Khoai tây của người nông dân này hiện được trồng trên 30 triệu hecta đất trên toàn thế giới.

 

Theo BBC/mard.gov.vn