Căn bệnh rất dễ lây này hiếm khi gây tử vong ở động vật trưởng thành, nhưng các gia súc mắc bệnh có sức khỏe kém và có thể gây tử vong trên quy mô lớn ở gia súc nhỏ.

 

Sự xâm nhập của bệnh LMLM gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng từ lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm gia súc từ các nước có dịch, thiệt hại kinh tế do sản lượng sữa giảm và tình trạng suy giảm mạnh số lượng đầu gia súc. Khi virút LMLM lây lan sang các khu vực khác, hàng triệu gia súc ngay cả không bị nhiễm bệnh cũng có thể bị tiêu hủy để ngăn chặn virút lây lan.


Jonathan Arzt đã tạo nên một bước đột phá trong nghiên cứu LMLM khi xác định được vị trí nơi mà virút LMLM bắt đầu lây nhiễm vào gia súc. Trong quá trình làm việc với nhà nghiên cứu Luis Rodriguez và nhà vi sinh vật học Juan Pacheco, Arzt nhận thấy virút lây nhiễm có chọn lọc ở các tế bào biểu mô ở mặt sau của cổ họng của bò.


“Bây giờ chúng tôi đã xác định được con đường virút lây nhiễm vào gia súc mắc bệnh. Căn cứ vào đó, chúng tôi có thể phát triển loại vắc-xin ngăn chặn tình trạng lây nhiễm virút ở các vị trí chính, kiểm soát và thanh toán bệnh LMLM”, Arzt nói. “Việc chặn các vị trí lây nhiễm ban đầu của bệnh là cách tốt nhất để bảo vệ hoàn toàn gia súc khỏi tình trạng lây nhiễm”.


Có bảy tuýp virút LMLM là O, A, C, Châu Á -1, SAT- 1, SAT- 2 và SAT- 3. Các nhà khoa học đã phát hiện các vị trí bị nhiễm trùng sử dụng huyết thanh O và kể từ đó đã có những thành công tương tự với huyết thanh A.


Trong 15 năm qua, các nhà khoa học đã chứng minh rằng một loại protein do các tế bào chủ sản sinh để đáp ứng với sự hiện diện của virút hoặc các tác nhân gây bệnh có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh LMLM. Loại protein này hoạt động như thuốc kháng virút có tác dụng diệt virút hoặc ngăn chặn nó phát triển lây lan.


“Đây là dòng đầu tiên đáp ứng chống lại tình trạng nhiễm virút”, nhà vi sinh vật học Teresa de los Santos cho biết. “Loại protein này bảo vệ động vật ngay lập tức, tạo thời gian để vắc-xin gây ra các phản ứng miễn dịch cần thiết để chống lại bệnh tật”.


Đây sẽ là một công cụ rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh LMLM vì bệnh LMLM lây lan rất nhanh chóng ngay cả trong thời gian gia súc được tiêm phòng, virút có thể đã lây lan sang đàn khác.


Có ba chủng protein nói trên là chủng I (interferon alpha-beta), chủng II (interferon gamma), và chủng III (interferon lambda). Các nhà khoa học đã chứng minh rằng chủng I rất hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng nhiễm virút lở mồm long móng ở lợn. Chủng protein này có thể bảo vệ cơ thể khoảng 5 ngày, do đó gia súc có khoảng thời gian vài ngày trước khi vắc-xin kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các nhà khoa học hiện đang cố gắng kết hợp chủng protein này với vắc-xin LMLM.


Bằng cách kết hợp chủng protein I và II, Grubman đã sản xuất một loại vắc-xin nhanh chóng ngăn chặn vi rút LMLM ở lợn. Kết hợp với việc sử dụng một loại vắc xin, giải pháp này cung cấp sự bảo vệ toàn diện từ ngày đầu tiên cho đến khi vắc-xin tạo phản ứng miễn dịch cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này đã không đạt được thành công ở gia súc.


De los Santos và nhà sinh học James Zhu đã phát hiện ra một giải pháp giúp hình thành phản ứng bảo vệ nhanh chóng ở gia súc. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Plum là những người đầu tiên xác định chủng protein III ở gia súc. Họ cũng đã chứng minh rằng chủng protein III có hiệu quả chống lại virút LMLM ở gia súc vào ngày đầu tiên sau khi chủng ngừa.


“Đầu tiên, chúng tôi phát hiện ra rằng chủng protein III thực sự có thể ức chế virút LMLM nhân rộng trong môi trường tế bào”, De los Santos cho biết. “Tiếp theo, chúng tôi cấy vào gia súc chủng protein III và theo dõi tình trạng lây nhiễm vi rút LMLM 24 giờ sau đó. Chúng tôi nhận thấy một sự chậm trễ đáng kể trong sự xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng trong động vật được tiêm chủng protein III so với những gia súc chỉ được tiêm chủng protein I hoặc không được tiêm. Trong các thí nghiệm khác, các con bò được tiếp xúc tự nhiên với virút lở mồm long móng, chủng protein III thậm chí còn có tác dụng bảo vệ nhiều hơn”.


Các nhà khoa học cũng tạo nên một đột biến virút được gọi là “đột biến SAP” để phát triển một loại vắc-xin LMLM khi dùng cho lợn có thể bảo vệ chúng chống lại virút LMLM độc hại.


Trong một nghiên cứu khác, một nhóm nghiên cứu do nhà vi sinh vật học Elizabeth Rieder làm trưởng nhóm đã đưa ra công nghệ mới để sản xuất vắc-xin LMLM mà không cần sử dụng virút độc hại. “Chúng tôi nhân bản vật liệu di truyền của virút LMLM trong một plasmid (một phân tử DNA nhỏ), cho phép chúng tôi đưa ra những đột biến và tạo ra các đoạn xóa bỏ và tìm hiểu các chức năng của các bộ phận của hệ gien virút”, Rieder cho biết.


Các nhà nghiên cứu đã xác định một trình tự trong hệ gien của virút mà nếu loại bỏ trình tự này, virút LMLM sẽ vô hại với động vật, trong khi vẫn có khả năng phát triển trong môi trường nuôi cấy tế bào. “Nó cho phép chúng tôi hiểu làm thế nào virút tự khuếch đại, tương tác với vật chủ và ức chế cơ chế bảo vệ của nó”, Rieder nói. “Đây là kiến thức cơ bản quan trọng chúng ta có thể sử dụng trong việc phát triển vắc-xin”.


Theo agroviet.gov.vn