Các nhà nghiên cứu ban đầu dự kiến sản lượng sẽ đạt khoảng 4,5 tấn/ha, nhưng đã rất bất ngờ khi bốn chủng gạo đã đạt năng suất từ 6,5 đến 9,3 tấn/ha.

Các thử nghiệm về gạo chịu mặn và kiềm đã được tiến hành ở Trung Quốc một thời gian, nhưng sự tăng vọt về sản lượng đánh dấu sự sẵn sàng cho việc thương mại hóa của giống gạo này.


Trưởng nhóm nghiên cứu Yuan Longping, người còn được gọi là "Cha của lúa lai" cho biết việc trồng giống gạo chịu mặn này có thể nuôi sống hơn 200 triệu người.

Công ty Công nghệ sinh học Yuan Ce tại Thanh Đảo hợp tác với đội ngũ của Yuan, hiện đang bán loại gạo mới này với tên gọi là "Yuan Mi" để tôn vinh nhà khoa học.

Tuy nhiên, “Yuan Mi” có giá là 50 nhân dân tệ (khoảng 170.000 đồng) cho mỗi kg, cao gấp 8 lần so với giá gạo thông thường. Nó được bán trong bao bì 1 kg, 2 kg, 5 kg và 10 kg.

Mặc dù có giá cao, 6 tấn chủng gạo này đã được bán trong tháng 8  nhờ vào hương vị và kết cấu ấn tượng của nó.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn quan quan tâm đến những lợi ích sức khoẻ tiềm ẩn của nó. Chủng gạo này còn có thể giàu canxi và các vi chất dinh dưỡng khác, vì những thành phần đó có rất nhiều trong nước mặn.

Muối trong nước mặn cũng đóng vai trò như một chất khử trùng có thể đẩy lùi các vi khuẩn gây bệnh, làm cho "gạo biển" ít bị phơi nhiễm với côn trùng. Kết quả là nông dân có thể giảm sử dụng thuốc trừ sâu.

Các chuyên gia thuộc Công ty công nghệ sinh học Yuan Ce ước tính sẽ thu được 10 triệu nhân dân tệ doanh thu từ "gạo biển" vào cuối năm nay. Giá “gạo biển” có thể sẽ giảm do sản lượng tăng.

Đoàn Đức Trung

(theo www.nextshark.com)