Hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, được trồng chủ yếu tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, với chất lượng thơm, ngon, quả giòn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp & PTNT, hiện nay toàn tỉnh Bắc Kạn có gần 800  ha diện tích trồng hồng không hạt, trong đó riêng huyện Ba Bể có trên 320 ha (trên 200 ha đang cho thu hoạch) mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân tại các xã trong vùng trồng hồng. Từ năm 2018 trở lại đây, cây hồng tại nhiều địa phương thuộc huyện Ba Bể, Chợ Đồn xuất hiện tình trạng rụng quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng quả. Hiện tượng này có xu hướng tăng hơn trong năm 2020.

Theo chia sẻ của bà Oanh – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Ba Bể nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng rụng quả hồng là do bệnh hại (chiếm trên 50%); ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như sự biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu, chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cũng là một trong những tác nhân cộng dồn gây ra hiện tượng rụng quả.

Hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản của tỉnh Bắc Kạn

 

Để xác định các biện pháp kỹ thuật phòng, chống sâu bệnh hại, nâng cao giá trị cây hồng không hạt, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Sở Khoa học & Công nghệ; Sở Nông nghiệp & PTNT xem xét, tìm ra các giải pháp hữu hiệu phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hồng không hạt. Năm 2020 bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất luợng cây hồng không hạt tại 2 huyện Ba Bể và Chợ Đồn”.

Đề tài được triển khai thực hiện từ tháng 5 năm 2020 tại thôn Nà Chom, xã Quang Khê, huyện Ba Bể quy mô thực hiện 2 ha, với 04 hộ dân tham gia. Mô hình này được đơn vị nghiên cứu xác định là mô hình mẫu để tìm ra loại sâu bệnh gây hại chính trên cây hồng không hạt, xác định được loại thuốc đặc trị hiệu quả. Tìm ra nguyên nhân để khuyến cáo người dân nắm bắt được diễn biến của sâu bệnh gây hại theo từng thời điểm sinh trưởng, phát triển của cây để phun thuốc cho phù hợp, hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và thâm canh cây hồng không hạt nhằm khắc phục tình trạng sâu bệnh, mất mùa, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện đề tài, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã xác định được bệnh thán thư là bệnh hại chính trên cây hồng và một số bệnh hại thứ yếu khác hiện đang được lấy mẫu, giám định tên khoa học. Đối với mô hình của đề tài, Viện Bảo vệ thực vật đã xác định được một số loại thuốc và thời điểm sử dụng thuốc có hiệu quả để phòng chống bệnh thán thư và một số sâu, bệnh hại khác; cử cán bộ kỹ thuật bám nắm cơ sở và cấp phát vật tư cho người dân đầy đủ để phun phòng trừ bệnh, rệp sáp hại cây hồng. Đến nay, mô hình đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ mắc bệnh thán thư, thối và rụng quả thấp hơn hẳn so với những diện tích đối chứng.

Trong phạm vi thực hiện của đề tài, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây hồng không hạt, đặc biệt là kỹ thuật cắt tỉa và phun phòng khi phát hiện các dấu hiệu sâu bệnh trên cành hồng. Qua so sánh thực tế cho thấy, mặc dù cùng thời gian trồng, cùng độ tuổi nhưng diện tích cây hồng không hạt khi thực hiện đề tài sinh trưởng, phát triển tốt hơn, ít sâu bệnh hại hơn, lá xanh, nhiều quả; ngược lại những diện tích nằm ngoài đề tài thì cây bị chết cành, rụng lá, rụng quả nhiều hơn theo ghi nhận của ông Hoàng Văn Phục, thôn Nà Chom - một trong 4 hộ tham gia thực hiện.

Theo bà Hoàng Thị Hiệp – Phó Bí thư xã cho biết: mô hình mới được triển khai thực hiện nhưng bước đầu cho thấy đang có kết quả khả quan. Kết quả nghiên cứu đã xác định được sâu bệnh hại chính đồng thời đưa ra các biện pháp phòng trừ thì tình trạng sâu bệnh hại trên cây hồng trên toàn bộ diện tích thực hiện đề tài giảm hẳn, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tán rộng, đậu nhiều quả. Hy vọng rằng với sự vào cuộc của của các cơ quan chuyên môn, sự sâu sát của đơn vị chủ trì thực hiện đề tài, sự hưởng ứng của người dân thì thời điểm kết thúc đề tài (tháng 4/2023) tình trạng sâu bệnh hại trên cây hồng không hạt sớm được khắc phục; đồng thời đơn vị chủ trì thực hiện đề tài sẽ hoàn thiện quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hồng không hạt cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh,  góp phần tăng năng suất, chất lượng, duy trì ổn định diện tích cây trồng đặc sản của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng trồng vùng./.

Ma Thế Sơn

Công ty TNHH Vietnam Misaki