1. Thường xuyên theo dõi thời tiết

Trước những diễn biến về khí tượng thủy văn ngày càng phức tạp thì người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao. Trên thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhưng phần lớn là do thói quen thả rông gia súc trong rừng của người dân miền núi.

2. Quản lý đàn trâu, bò

Những ngày trời rét, nhiệt độ xuống dưới 150C nên đưa trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng, không nên chăn thả. Khi nhiệt độ xuống dưới 120C không cho gia súc làm việc (cày, kéo...). Trong trường hợp đặc biệt nếu bắt buộc phải đưa gia súc gia ngoài cần đảm bảo giữ ấm gia súc bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa ra ngoài. Thời gian đưa gia súc gia ngoài tốt nhất sau 8 giờ sáng và trở về chuồng trước 17 giờ.

3. Cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng

Để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò cần cho ăn đầy đủ và cân đối khẩu phần thức ăn xanh và thức ăn tinh.

Những ngày bình thường mỗi trâu, bò trưởng thành cho ăn khoảng 25 - 30 kg thức ăn thô xanh và 1 - 1,5 kg thức ăn tinh. Nhưng nếu vào những ngày rét đậm, rét hại nhiệt độ dưới 150C thì tăng lượng thức ăn tinh lên khoảng 2 kg/con/ngày để giúp trâu, bò chống lại giá rét. Ngoài thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, bà con cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Có thể sử dụng tảng đá liếm hoặc dùng muối ăn, nếu sử dụng tảng đá liếm thì treo tại chuồng; nếu sử dụng muôi thì pha như sau: Pha với nước ấm 37 - 380C, nồng độ 0,1 - 0,3% (tương đương 10 - 30g muối/10 lít nước).

Cách cho ăn: Thức ăn thô xanh bổ sung trong máng thường xuyên, thức ăn tinh chia làm 2 bữa trong ngày, cho trâu bò ăn thức ăn thô xanh trước, thức ăn tinh và uống nước sạch đầy đủ theo nhu cầu.  

4. Các biện pháp chống rét   

a. Chất độn chuồng

Sử dụng chất độn chuồng bằng rơm, rạ, cỏ khô lót chuồng sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng thời tiết lạnh đến đàn trâu, bò.

Tùy vào điều kiện thực tế có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 - 15 cm. Các chất độn chuồng này có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn (chỉ dọn phân). Chất độn chuồng luôn đảm bảo khô, không bị ẩm ướt.

b. Che chắn tránh gió

Sử dụng bạt hoặc các tấm phên, các bao tải đan lại. Không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật khoảng từ 1,8 - 2m.

c. Đốt lửa chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì cần áp dụng phương pháp đốt lửa chống rét. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi, trấu (chú ý nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng). Nên đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu, bò và tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

d. Mặc áo chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì bà con cần mặc áo chống rét cho trâu, bò. Với 1 chiếc áo, bà con có thể sử dụng cho 01 trâu, bò trong suốt mùa, tuy nhiên bà con lưu ý không nên mặc áo chống rét cho trâu, bò cả ngày, lúc trời nắng ấm nên bỏ áo để trâu bò hưởng nắng ấm.

Khi mặc áo cho trâu, bò cần chú ý chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây buộc thắt như khuy áo buộc dưới bụng.

5. Vệ sinh chuồng trại

Vệ sinh chuồng trại có vai trò quan trọng, giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu, bò. Hàng ngày, cần quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải ra khỏi chuồng nuôi. Định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 - 3 tuần một lần để tăng cường tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Han - Iodine, cloramin B, Virkon,… Cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lưu ý: Khi có gia súc bị chết do rét, người chăn nuôi cần báo ngay với chính quyền địa phương và cán bộ thú y để xác định thiệt hại.

TS. NGUYỄN THỊ HẢI

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia