4. Gà Lạc Thủy

Nguồn gốc giống từ huyện Lạc Thủy, tỉnh Hoà Bình. Ở tuổi trưởng thành, quần thể gà có màu lông đồng nhất, gà mái lông màu nâu nhạt (lá chuối khô), gà trống lông màu mận. Chân gà nhỏ, cao vừa phải, da màu vàng. Gà có mào đơn và là giống gà có tốc độ mọc lông nhanh.

- Khối lượng cơ thể: Ở 20 tuần tuổi khối lượng TB của gà trống là 1,9 (kg) và gà mái là 1,6 (kg).

- Tuổi thành thục sinh dục: 19 tuần tuổi.

- Năng suất trứng 68 tuần đẻ, TB 90 quả/mái; Tỷ lệ nở/ tổng trứng ấp đạt 78 %.

Giống gà Lạc Thủy

 

5. Gà Hồ (Công nhận TCVN 12469-3:2018)

Gà Hồ là một giống gà quý ở Việt Nam, nguồn gốc ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh), vỏ quả nhãn chín và màu sẻ (giống lông chim sẻ); gà trống màu mận, da dày màu đỏ, chân rất to, mào nụ.

 - Khối lượng cơ thể gà trưởng thành: gà trống từ 4,5 - 5,5 kg/con và gà mái từ 3,5-4,0 kg/con.

- Tuổi đẻ trứng đầu là 185 ngày tuổi. Mỗi năm gà đẻ 3-4 lứa, mỗi lứa từ 10-15 trứng, khối lượng trứng 50-55 g/quả.

6. Gà Móng

Nguồn gốc giống ở xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam). Gà con 01 ngày tuổi có màu lông trắng ngà đồng nhất. Khi trưởng thành, gà mái có lông màu lá chuối khô, gà trống có lông màu mận, gà có mào nụ.

- Tuổi thành thục sinh dục: 22 tuần tuổi.

- Năng suất trứng TB là 86 quả/mái/năm; Tỷ lệ nở/ tổng trứng ấp đạt 71 %.

7. Gà Tiên Yên

Nguồn gốc ở Tiên Yên, Quảng Ninh, gà Tiên Yên khác biệt là có chùm lông trên đầu và cằm, màu lông đa dạng, da vàng, chân vàng. Thịt gà Tiên Yên có vị ngọt, thơm, da giòn. Mỡ xen vào thịt nên khi ăn gà Tiên Yên còn có vị thơm của mỡ gà.

- Khối lượng cơ thể: Ở 19 tuần tuổi khối lượng TB của gà trống là 1,7 (kg) và gà mái là 1,2 (kg).

- Tuổi thành thục sinh dục: 22 tuần tuổi.

- Năng suất trứng 55 tuần đẻ, TB 78 quả/mái; Tỷ lệ nở/ tổng trứng ấp đạt 80 %.

Là một trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh.

8. Gà H’Mông (Công nhận TCVN 12469-5:2018)

Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen hay gà Mèo là một giống gà nội địa của Việt Nam có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh. Gà H’Mông là giống quý hiếm, có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay, là đặc sản của vùng Tây Bắc. Đây là đối tượng dễ nuôi, có giá trị dinh dưỡng cao và được thị trường ưa chuộng, vì vậy trong những năm gần đây đã có nhiều mô hình nuôi gà H’Mông mang lại năng suất, hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân vùng núi thoát nghèo.

- Khối lượng cơ thể: Ở 19 tuần tuổi khối lượng TB của gà trống là 1,82 (kg) và gà mái là 1,29 (kg).

- Tuổi đẻ trứng đầu ở 140 ngày tuổi.

- Năng suất trứng đến 68 tuần đẻ, TB 97,9 quả/mái; Tỷ lệ nở/ tổng trứng ấp đạt 81 %.

* Gà lai HAH -VCN (Công nhận tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 21/QĐ-CN-GSN ngày 1/6/2015).

- Chất lượng con giống:

+ Tỷ lệ nuôi sống: 94,87 % (giai đoạn 0-12TT)

+ Khối lượng cơ thể lúc 12 TT con mái đạt: 1,0-1,2kg; con trống đạt; 1,4-1,5kg.

+ Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR/12TT): 2,8-3,0 kg

- Ưu điểm nổi bật so với các giống khác:

+ Gà lai nuôi thịt HAH -VCN có đặc điểm ngoại hình nổi bật của gà H’Mông như: chân đen, da đen, thịt đen, và xương đen. Thịt có thể làm vị thuốc chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe, đặc biệt lượng mỡ rất ít, thịt dai chắc, thơm, ngọt phù hợp với sở thích ẩm thực của người Việt Nam.

+ Nhu cầu tiêu dùng thịt gà đen ngày càng tăng, nguồn cung cấp chủ yếu thường dựa vào gà Ác và gà H’mông. Tuy vậy khả năng sinh sản của hai giống gà này rất thấp, hơn nữa gà H’mông có tính thích ứng không rộng, khó nuôi ở vùng đồng bằng vì vậy thị trường luôn khan hiếm nếu chỉ dựa vào nguồn cung từ gà Ác và gà H’Mông.

Việc tạo được gà HAH-VCN có thịt đen, da đen, xương đen đã góp phần làm giảm áp lực lên gà H’mông và gà Ác khi thị trường có nhu cầu thịt gà đen tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho gà HAH - VCN nhanh chóng tham gia trong chuỗi cung cấp thịt gà đen cho tiêu dùng trong nước.

9. Gà Ác (Công nhận TCVN 12469-1:2018)

Là một giống gà đặc sản, có thân hình nhỏ, bộ lông trắng xước; chân có 5 ngón (ngũ trảo) và có lông bao phủ; da, thịt, xương và mỏ đều đen; mào cờ.

- Khối lượng cơ thể: Ở 19 tuần tuổi khối lượng TB của gà trống là 0,85 (kg) và gà mái là 0,65 (kg).

- Tuổi thành thục sinh dục: 19 tuần tuổi.

- Năng suất trứng 48 tuần đẻ, TB 70 quả/mái; Tỷ lệ nở/ tổng trứng ấp đạt 70 %.

10. Gà nhiều ngón chân

Nguồn gốc ở Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ và Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Gà có 6 ngón cả trên hai chân và 2 ngón phụ thường bé, ngắn và nằm sát với nhau (cựa – các mấu xương trồi ra). Gà con 01 ngày tuổi có màu lông trắng hoặc trắng ngà, khi trưởng thành, gà mái có lông màu vàng rơm, vàng nhạt hoặc nâu đốm, gà trống có lông đỏ đen hoặc vàng đen, gà có mào cờ, mào tích đỏ tươi.

- Khối lượng cơ thể: Ở 20 tuần tuổi khối lượng TB của gà trống là 1,65 (kg) và gà mái là 1,25 (kg).

- Tuổi thành thục sinh dục: 170 ngày tuổi.

- Năng suất trứng TB 80-82 quả/mái/năm.

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia