Gia đình chị Phan Thị Ba tại xóm 14 - Diễn Lộc - Diễn Châu - Nghệ An đang thu hoạch bí xanh 

Cây bí xanh được trồng ở 2 vụ chính trong năm là vụ xuân hè và vụ thu đông. Tuy nhiên, khi nhận thấy cây bí xanh có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây rau màu khác, hơn nữa thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70 - 75 ngày), chống chịu tốt với thời tiết, năng suất cao, vụ hè thu 2015, một số bà con nông dân ở xã Diễn Lộc đã mạnh dạn đầu tư trồng cây bí xanh (trồng bí trái vụ). Quả bí xanh đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Chị Phan Thị Ba ở xóm 14, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: Cây bí xanh đã được gia đình chị đưa vào trồng được 5 năm nay, các năm trước chủ yếu trồng vụ đông, năm nay chị đã mạnh dạn đầu tư trồng vụ hè thu. Mặc dù, ở đầu vụ thời tiết nắng nhiều, không thuận lợi cho bí phát triển, nhưng đến giai đọan bí ra hoa đậu quả thì lại gặp thời tiết rất thuận lợi, vì thế năng suất đạt khá cao. Bắt đầu từ tháng 6 năm 2015 gia đình chị trồng 3 sào bí xanh trên đất đồng màu, đến nay đã thu hoạch, năng suất đạt trên 1 tấn/sào. Đặc biệt vụ này tuy khó làm nhưng lại rất dễ bán, giá cao, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, tre làm giàn còn thu lãi 9 triệu đồng/sào, lãi gấp nhiều lần so với các loại cây rau màu khác…

Sau đây là một số kinh nghiệm chia sẽ của bà con nông dân trồng bí xanh trái vụ ở Diễn Lộc:

1. Thời vụ

- Trồng bí vụ hè thu (bí xanh trái vụ), trồng tốt nhất từ 05 - 25/6 dương lịch

2. Chọn đất và làm đất

- Chọn đất: Chọn đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ, chủ động nư­ớc.

- Làm đất: Cày bừa kỹ, làm đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ, rắc đều 15 kg vôi bột lên mặt ruộng. Sau đó tiến hành lên luống, luống rộng 1 m; cao 25 - 30 cm và có rãnh thoát nước.

3. Xử lý hạt giống

- Xử lý hạt giống: Ngâm hạt từ 3 - 4 giờ, rửa sạch, để ráo, bọc hạt vào khăn bông ẩm, ủ hạt ở nhiệt độ 28 - 300C. Khi hạt nứt nanh thì gieo thẳng ra luống.

4. Mật độ, khoảng cách trồng

- Mật độ: 3 - 3,2 vạn cây/ha (khoảng 1.100 - 1.200 gốc/sào)

- Khoảng cách: hàng cách hàng 70 cm, cây cách cây 40 - 45cm.

5. Phân bón

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, NPK (15-5-20) với lượng 50 kg/sào, vôi bột 50 - 70 kg/sào. Bón rải đều trong rạch giữa luống, độ sâu 10 -15 cm sau đó lấp đất lại.

+ Bón thúc: Tùy vào quá trình  phát triển của cây để bón phân bổ sung cho hợp lý, hiệu quả.

6. Chăm sóc:

+ Tưới nước: Bí xanh cần ẩm, nên sau khi gieo nếu đất thiếu ẩm phải tưới kịp thời, tưới nước vào sáng sớm hoặc chiều mát, lấy nước vào rãnh sao cho nước đủ ngấm vào luống sau đó tháo nước đi, tốt nhất nên giữ mặt luống khô để hạn chế bệnh hại có thể phát sinh, phát triển. Nếu gặp úng thì cây dễ bị bệnh gây hại và rụng hoa, rụng quả.

+ Lấp dây: Khi cây bí dài 50 cm, lấy đất lấp ngang đốt, cách 1 - 2 đốt lại lấp để cho cây bí ra nhiều rễ ngang (rễ phụ), giúp cây tăng khả năng hút nư­ớc và chất dinh dưỡng để nuôi quả.

+ Làm giàn: Khi cây xuất hiện tua cuốn thì cắm giàn chéo chữ X để tận dụng hợp lý ánh sáng, một sào cần khoảng 1.400 - 1.500 cây dèo, giàn cần buộc chắc chắn để tăng khả năng giữ quả, tránh để mưa gió có thể làm đổ ảnh hưởng đến năng suất bí.

+ N­ương dây: Trước khi cho cây leo lên giàn nên để cây bò trên luống khoảng 40 - 50 cm (hướng ngọn bí bò từ gốc này sang gốc kia sau đó mới nương dây cho leo lên giàn).

* Chú ý: Không để dây lật úp hoặc bị vặn dây, dùng rơm rạ, dây chuối buộc ngọn bí lên giàn ở vị trí dưới nách lá.

7. Phòng trừ sâu bệnh

Thăm đồng th­ường xuyên, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại, phun thuốc phòng trừ sớm.

- Bí xanh bị một số sâu hại chủ yếu như bọ trĩ, sâu đục lá, sâu khoang… Sử dụng một trong các thuốc sau để phòng trừ: Voliam Tagro, Actara, Regent…..

- Bệnh lở cổ rễ: Dùng hỗn hợp 20 ml Kasumin + 15 gr  Arygreen pha với 10 - 12 lít n­ước phun trên 1 sào. Cách phun: phun lần 1 sau trồng 3 - 5 ngày, lần 2 sau lần thứ nhất 7 ngày.

- Bệnh chết ẻo, sương mai, phấn trrắng: Sử dụng Rhidomil, Amistatop,... phun kỹ dưới gốc cây, ướt đều trên mặt lá.

* Lưu ý: Nên thường xuyên thay đổi loại thuốc để tránh làm cho sâu, bệnh nhanh quen thuốc. Nếu ruộng bí đã bị sâu gây hại nặng thì sau khi phun thuốc nên bón bổ sung thêm phân để tăng sức chống chịu cho cây. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” và thời gian cách ly của thuốc.

8. Thu hoạch

Khi quả bí đạt trọng lượng thì tiến hành thu hoạch, chú ý thao tác nhẹ nhàng tránh làm xây xát, dập vỏ quả.

Cao Thị Hà

Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu, Nghệ An