1. Chuẩn bị hệ thống ao nuôi ốc nhồi thương phẩm

- Vị trí ao nuôi: nên chọn những nơi có nguồn nước sạch và có khả năng cấp, thoát nước thuận lợi. Ao nuôi không nên quá lớn vì sẽ khó chăm sóc và quản lý địch hại; diện tích ao phù hợp từ 1.000-2.500 m2.

- Thiết kế ao nuôi hình chữ nhật với chiều rộng khoảng 6-8 m; bờ ao thiết kế cao hơn mức nước tối thiểu là 0,5 m; đáy ao bằng phẳng, dốc về phía cống tiêu nước.

- Trước khi nuôi cần tát cạn, tẩy dọn sạch bùn ao, rắc vôi bột với liều lượng 5 – 8 kg/100m2 để diệt tạp và khử trùng ao nuôi. Sau 10-15 ngày phơi khô đáy ao, lấy nước vào ao nuôi qua lưới lọc để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Độ sâu mức nước trong ao từ 0,5 - 0,8m.

- Thả bèo lục bình hoặc bèo cái xung quanh ao để làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 20-30% diện tích ao nuôi; làm khung ngăn bèo không để bèo phán tán ra ao. Thả bèo tấm, các loại rong đuôi chồn,... tạo thức ăn tự nhiện trong ao. Làm thêm giàn mướp xung quanh bờ ao vừa tạo bóng mát cho ao nuôi và lấy quả làm thức ăn cho ốc.

- Chuẩn bị ao xong và kiểm tra chất lượng nước ổn định (pH: 7,0 – 8,5, hàm lượng ô xy hòa tàn tan > 4 mg/l, độ kiềm duy trì từ khoảng 70,0 -120,0 mg CaCO3/l) thì tiến hành thả ốc giống.

Ao nuôi ốc nhồi

 

2. Lựa chọn và cách thả ốc giống

- Chọn mua ốc giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín; ốc giống có kích cỡ từ 0,3 - 0,5 g/con trở lên, ốc giống đồng đều, khoẻ mạnh, không bị bệnh, không mòn vỏ, màu sắc tươi sáng.

- Cách thả giống: Thả ốc vào lúc thời tiết mát (chiều tối hoặc sáng sớm). Không nên thả ốc giống lúc trời nắng hoặc mưa. Khi thả ốc cần lưu ý thả ốc lên các vật nổi trên mặt nước ao (tấm xốp, lá chuối, vật liệu nổi khác,…) để ốc thích nghi dần với môi trường ao nuôi và sẽ tự bò ra ao. Không được thả trực tiếp ốc xuống ao, ốc sẽ bị chìm xuống đáy ao và bị chết. Mật độ giống thả nuôi trong ao là 80-100 con/m2.

- Thời vụ nuôi: Ở miền Bắc thả ốc giống từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm để ốc kịp phát triển đạt kích cỡ thương phẩm, tránh thời tiết lạnh giá của mùa đông (vì khi mùa đông ốc không lớn và dễ bị chết do nhiệt độ xuống thấp).

   

Cách thả ốc nhồi giống xuống ao

3. Thức ăn và cách cho ăn

Ốc nhồi là loại ăn tạp thiên về thực vật như: thực vật thủy sinh, lá sắn, bèo tấm, rau muống,...; các loại củ quả (khoai lang, bí đỏ, mướp, bí xanh, đu đủ,..), bột ngũ cốc (bột cám, bột đậu nành, bột ngô ....). Thức ăn công nghiệp viên nổi (hàm lượng protein từ 20-24%) cũng là nguồn thức ăn rất tốt.

 

Một số loại thức ăn (bí đỏ, mướp, bèo tấm) trong nuôi ốc nhồi thương phẩm

- Lượng thức ăn và cách cho ăn: Lượng thức ăn được tính dựa trên khối lượng ốc trong ao và khả năng ăn của ốc. Trong 1 tháng đầu cho ăn ở mức 5-6% tổng khối lượng ốc trong ao; từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3 cho ăn 3-4 % khối lượng ốc trong ao, từ tháng thứ 4 đến khi thu hoạch ốc cho ăn 2-3% khối lượng ốc trong ao. Cho ăn 02 lần/ngày vào lúc sáng sớm (6 - 7 giờ sáng) và chiều tối (5 – 6 giờ tối).

Lưu ý:

+ Thức ăn xanh để nguyên cả lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám, nó thường bám dưới mặt lá để ăn.

+ Thức ăn tinh: mỗi ngày chỉ cho ăn thức ăn tinh 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5 – 1,0% khối lượng ốc trong ao.

+ Trước khi cho ốc ăn lần sau phải kiểm tra thức ăn lần trước, nếu thấy còn thức ăn cũ thì phải vớt hết rồi mới cho thức ăn mới, đồng thời giảm khẩu phần cho ăn.

+ Thức ăn phải biết rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn, không thu gom thức ăn rau củ quả thu gom ngoài chợ vì dễ có thuốc, hóa chất bảo quản, ốc ăn vào sẽ bị chết.

4. Quản lý môi trường ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh

Chất lượng môi trường nước ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của ốc. Do đó cần phải đảm bảo môi trường nước ổn định, sạch và duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho ốc phát triển (pH: 7,0 – 8,5 hàm lượng ô-xy hòa tàn tan > 4 mg/l, độ kiềm khoảng 70,0-120,0 mg CaCO3/l,  nhiệt độ nước từ 22-30 độ C).

Trong thời gian 2 tháng nuôi đầu không cần thay nước, trừ khi ốc bị bệnh. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 30-35% lượng nước trong ao. Sử dụng các vi sinh để làm sạch môi trường ao nuôi, định kỳ 2 tuần/1 lần. Bổ sung khoáng CaCO3 và vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho ốc, hạn chế dịch bệnh cho ốc.

Hàng ngày theo dõi, quan sát hoạt động ốc trong suốt quá trình nuôi; kiểm tra hệ thống ao bờ nuôi và kiểm soát các địch hại của ốc.

5. Thu hoạch ốc thương phẩm

- Ốc nhồi sau khi nuôi từ 3-4 tháng đạt trọng lượng 25-30 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Tỷ lệ sống đạt 75-80%, năng suất đạt 10-15 tấn/ha.

Ốc nhồi thương phẩm đạt 25-30 con/kg cho thu hoạch

 

- Phương pháp thu hoạch: Buổi sáng và buổi tối ốc thường nổi lên bám vào lá sắn, rễ bèo để ăn nên việc thu hoạch rất dễ. Có thể thu tỉa bằng cách dùng thuyền đi quanh bờ ao để bắt những con to.

- Nếu muốn thu hoạch toàn bộ ốc còn lại trong ao thì sau khi dùng thuyền thu tỉa, có thể tháo cạn nước ao, bắt ốc bằng tay hoặc dùng cào sắt để gom ốc. Chú ý ốc thường chui sâu dưới đáy ao khi rút cạn nước, vì vậy cần bắt kỹ để tránh bỏ sót ốc trong ao.

Lưu ý:

+ Nên thu hoạch ốc trước mùa đông vì khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, ốc sẽ chết.

+ Nếu lưu giữ ốc qua đông làm ốc bố mẹ sang năm thì cần có biện pháp trú đông cho ốc hiệu quả, nhất giữ ẩm và che chắn gió, mưa, cũng như ngăn các động vật như chuột, rắn, chim, cò, ếch nhái,… vào bể hại ốc. Trong thời gian trú đông không cần cho ốc ăn, chỉ cần giữ ẩm cho ốc.

Trần Văn Tam   

Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản