Vụ hè thu - mùa năm 2016, tại các tỉnh phía Bắc, diện tích nhiễm bệnh bạc lá là gần 90.000ha (chiếm 9,4% tổng diện tích gieo trồng và tăng hơn 9 lần so cùng vụ năm 2015), nặng 18.071ha, mất trắng 385 ha. Bệnh thường gậy hại bộ lá và lá đòng vào giai đoạn đòng - chín sữa, có thể giảm năng suất lúa từ 25 - 50%, thậm chí mất trắng.

Nguyên nhân chính bệnh bạc lá tăng nhanh là do điều kiện mưa, bão, độ ẩm không khí cao. Ngoài ra, cơ cấu giống lúa nhiễm bệnh và việc lạm dụng phân đạm cũng tạo điều kiện cho bệnh bùng phát. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng chống bệnh có hiệu quả không cao. Giải pháp quan trọng để phòng bệnh bạc lá lúa là sử dụng các giống chống chịu bệnh và áp dụng biện pháp canh tác.

Vụ HT - mùa thường có điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh bạc lá lúa phát sinh, phát triển và có nguy cơ gây thiệt hại lớn trên lúa ở nhiều địa phương. Để chủ động phòng chống, giảm thiểu tác hại do bệnh bạc lá lúa gây ra, góp phần bảo vệ an toàn cho sản xuất, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Cục Trồng trọt chỉ đạo các địa phương lưu ý thực hiện tốt một số nội dung sau ngay từ đầu vụ:

Về cơ cấu giống: Chỉ đạo nông dân không hoặc hạn chế tối đa gieo cấy các giống nhiễm bạc lá nặng như giống Bắc thơm 7, LT2… và thay thế bằng các giống kháng hoặc ít nhiễm bệnh hơn.

Về các biện pháp kỹ thuật: Tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến như SRI, "3 giảm 3 tăng"… tập trung giảm mật độ gieo cấy, chăm sóc, bón thúc sớm, bón tập trung, bón cân đối NPK và không bón thừa đạm để tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt và tăng khả năng chống chịu bệnh ngay từ giai đoạn đầu, nhất là trong điều kiện vụ mùa mưa bão nhiều...

Theo NNVN