Tại Việt Nam

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã tạo nên các dòng vi khuẩn kháng thuốc, gây tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của người sử dụng, gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột của người và vật nuôi, đặc biệt một số loại kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người sử dụng.

Nhiều trang trại chăn nuôi gà tại Việt Nam sử dụng kháng sinh cao hơn quy chuẩn

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Để hướng dẫn thực hiện Nghị định 39, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT, trong đó quy định việc sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm(tại điều 5) như sau:

1. Thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được Cơ quan thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non và trị bệnh cho gia súc, gia cầm không phải công bố tên, hàm lượng của kháng sinh trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về kháng sinh nêu trên trong hồ sơ sản xuất.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y không có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh thì thực hiện theo quy định về thuốc thú y, nhưng không bắt buộc phải kê đơn; không phải công bố tên, hàm lượng của hoạt chất trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng hoạt chất, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về hoạt chất nêu trên trong hồ sơ sản xuất.

4. Việc kê đơn thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề về phòng bệnh, trị bệnh cho động vật.

Đơn kê phải thể hiện tên thuốc, hoạt chất, công dụng, liều dùng, thời gian sử dụng, thời gian ngừng sử dụng thuốc đảm bảo không gây kháng thuốc và tồn dư kháng sinh, hóa chất ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi và những khuyến cáo khác (nếu có).

5. Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi.

6. Chỉ được sử dụng thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam.

7. Cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi nhật ký quá trình sử dụng.

Tại Pháp

Trụ sở chính của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đặt tại Paris, thủ đô nước Pháp, nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động về thú y trên toàn cầu. Pháp, một thành viên của Liên minh Châu Âu đã báo cáo Hành động ứng phó với Kháng kháng sinh (KKS) như sau:

Kế hoạch hành động Ecoantibio 1 (Kế hoạch lần thứ nhất 2012-2016) với 5 ưu tiên 40 giải pháp:

Thúc đẩy thực hành tốt và nâng cao nhận thức của các bên liên quan.

Xây dựng các biện pháp thay thế việc sử dụng kháng sinh.

Tăng cường quy định về thực hành thương mại và các nguyên tắc kê đơn.

Tăng cường hệ thống giám sát sử dụng kháng sinh và KKS .

Thúc đẩy cách tiếp cận tương tự tại châu Âu và Quốc tế.

Kế hoạch Ecoantibio2 (2017-2021): gồm 20 hoạt động

Trọng tâm 1: Xây dựng các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm và giảm bớt thủ tục cho các phương pháp điều trị thay thế (4 hoạt động).

Trọng tâm 2: Truyền thông và đào tạo về các vấn đề ứng phó với KKS, kê đơn kháng sinh hợp lý và biện pháp ứng phó với các bệnh truyền nhiễm (4 hoạt động).

Trọng tâm 3: Chia sẻ các công cụ: Phổ biến rộng rãi các công cụ đánh giá và giám sát liên quan đến việc sử dụng kháng sinh, cũng như các công cụ về kê đơn và quản lý thuốc có trách nhiệm (9 hoạt động).

Trọng tâm 4: Chia sẻ các nỗ lực: Đảm bảo các nguyên tắc sử dụng kháng sinh đúng cách được áp dụng ở cấp quốc gia và khuyến khích áp dụng cho Liên minh châu Âu và quốc tế (3 hoạt động).

Để liên minh châu Âu trở thành khu vực thực hành tốt nhất về KKS

- Có bằng chứng và nhận thức tốt hơn về những thách thức KKS mang lại.

Tăng cường giám sát Một sức khỏe và báo cáo về KKS và việc sử dụng kháng sinh.

Lợi ích từ phân tích dựa trên bằng chứng và dữ liệu tốt nhất.

Nâng cao nhận thức và sự hiểu biết.

Tăng cường báo cáo về kháng kháng sinh và việc sử dụng kháng sinh

- Điều phối và thực hiện các quy định của Liên minh châu Âu tốt hơn để giải quyết vấn đề KKS.

Tăng cường điều phối giữa các quốc gia thành viên Một sức khỏe trong ứng phó với KKS.

Thực thi hiệu quả hơn các quy định của Liên minh châu Âu.

- Phòng chống KKS tốt hơn.

Tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Thúc đẩy sử dụng kháng sinh an toàn.

- Nhận định rõ hơn vai trò của ngành môi trường.

- Mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong ứng phó với KKS và nguồn kháng sinh sẵn có tốt hơn.

Bài học kinh nghiệm

Việc sử dụng kháng sinh cần theo chỉ định của bác sỹ thú y.

Người nông dân có vai trò quan trọng trong việc sử dụng kháng sinh.

Sự tin tưởng vào bác sỹ thú y là yếu tố quan trọng để người nông dân thay đổi hành vi liên quan đến kháng sinh (giảm sử dụng).

Các tổ chức nông dân có thể tác động lớn đến việc sử dụng kháng sinh của người dân và bác sỹ thú y.

Công cụ kỹ thuật có vai trò thúc đẩy trong giảm sử dụng kháng sinh.

Tóm lại, để hạn chế kháng kháng sinh là trách nhiệm cộng đồng, phải có hành động phối hợp ở tất cả các cấp để đảm bảo lợi ích bền vững của thuốc chống visinh vậtgây bệnh và ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với tương lai của nhân loại.

Nguyễn Thị Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

(Tham khảo thông tin từ Tiến sĩ Phạm Đức Phúc, Mạng lưới Một sức khỏe các trường đại học Việt Nam (VOHUN), Trường Đại học Y tế Công cộng)