3. Ương cá bột lên cá hương

3.1. Ương cá từ 1 ngày tuổi đến 10 ngày tuổi

- Bể ương có kích thước: 40 x 60 x 30cm, độ sâu mực nước 20 - 25 cm. Thiết kế hệ thống đường cấp nước sát đáy bể để tạo dòng chảy, kết hợp máy sục khí cung cấp ôxy cho bể ương. Nguồn nước sử dụng ương cá phải được lọc qua hệ thống lọc sinh học để hạn chế các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài vào bể ương. Yêu cầu chất lượng nước trong ương cá nêu tại bảng sau:

TT

Thông số

Giá trị giới hạn

1

Độ sâu

20 - 25 cm

2

pH

7,0 – 7,5

3

Nhiệt độ nước

22 – 28 độ C

4

Ô xy hòa tan

≥ 5mg/l

5

NH3 (mg/l)

<0,01

6

NO2 (mg/l)

<0,25

7

H2S (mg/l)

<0,01

- Kích cỡ cá thả: cá bột 01 ngày tuổi, kích cỡ 0,5 – 0,6 cm, khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, tỷ lệ dị hình <5%

- Mật độ ương trên bể kính: 2500 - 3.000 con/ bể

- Thời gian ương: 10 ngày.

- Cho cá ăn: Đối với lòng đỏ trứng và artemia cho ăn 08 lần/ngày, cách 3 giờ cho cá ăn một lần, 01 lòng đỏ trứng/1 vạn cá bột/ngày, lượng artemia dao động 10.000 -12.000 cá thể/lít. Đối với thức ăn là giun trùng chỉ, lượng thức ăn theo mức thoả mãn (lượng thức ăn vừa đủ sau 30 phút cho ăn).

- Chế độ thay nước: Nguồn nước sử dụng ương cá là nước giếng khoan. Lượng nước lưu thông qua bể: 500%/ngày.

- Thu hoạch: Sau 10 ngày ương, cá đạt kích cỡ 1cm/con thì tiến hành thu cá và chuyển ra ương ở hệ thống bể xi măng hoặc bể composite có thể tích 1-3m3.

* Một số lưu ý trong quá trình ương nuôi:

- Sử dụng artemia thay cho động vật phù du vớt ngoài tự nhiên trong giai đoạn đầu làm cho chi phí sản xuất tăng lên nhưng đảm bảo không bị nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài.

- Lòng đỏ trứng phải được xay nhuyễn, lọc qua lưới lọc kích thước mắt lưới 100μm. Sau khi cho ăn cần thay nước loại bỏ hết thức ăn thừa.

- Đối với thức ăn là chùn chỉ: ngâm nước muối 20% trong 5 phút để loại bỏ mầm bệnh (đặc biệt là ký sinh trùng), rửa lại bằng nước sạch, cắt nhỏ cho vừa với kích cỡ miệng cá.

3.2. Ương cá bột lên cá hương giai đoạn 11 - 40 ngày tuổi

- Giai đoạn này ương nuôi cá trong bể xi măng, bể composite: bể hình tròn (kích cỡ đường kính 2m x chiều cao 0,7m) hoặc hình chữ nhật (kích cỡ bể: dài x rộng x cao = 2,5 x 1,5 x 0,7m). Thiết kế hệ thống đường cấp nước sát đáy bể để tạo dòng chảy, kết hợp máy sục khí cung cấp ôxy cho bể ương; máy bơm nhỏ (dùng cho bể nuôi cá cảnh) tạo dòng chảy.

- Mật độ ương: 500 - 600 con/m3.

- Thời gian ương: 30 ngày.

- Cho cá ăn:

Đối với thức ăn là giun trùn chỉ và động vật phù du. Cho cá ăn tối đa tới khi cá ngừng bắt mồi (lượng thức ăn vừa đủ sau 30 phút cho ăn). Cho cá ăn 6 lần/ngày vào 6 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 20 giờ và 24 giờ.

Đối với thức ăn là artemia, lượng artemia dao động 10.000 -12.000 cá thể/lít.

Thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein 40-45%, kích cỡ viên 1mm, cho cá ăn 3 bữa/ngày, lượng thức ăn từ 10 – 15% khối lượng cá trong bể.

- Chế độ thay nước: Nguồn nước sử dụng ương cá là nước giếng khoan, nước phải được lọc qua hệ thống lọc sinh học để hạn chế các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài vào bể ương. Lượng nước lưu thông qua bể: 200 – 300%/ngày. Thường xuyên siphong đáy bể loại bỏ phân và thức ăn thừa. Định kỳ 3 ngày chuyển toàn bộ cá sang bể ương mới. Yêu cầu chất lượng nước trong ương cá nêu tại bảng sau:

TT

Thông số

Giá trị giới hạn

1

Độ sâu

40-50cm

2

pH

7,0 – 7,5

3

Nhiệt độ nước

22 – 28 độ C

4

Ô xy hòa tan

≥ 5mg/l

5

NH3 (mg/l)

<0,01

6

NO2 (mg/l)

<0,25

7

H2S (mg/l)

<0,01

 

- Thời gian thu hoạch: Sau giai đoạn 30 ngày ương, cá đạt kích cỡ 3 – 4 cm/con.

4. Ương cá hương lên cá giống

- Giai đoạn này ương nuôi cá trong bể xi măng, bể composite: bể hình tròn (kích cỡ đường kính 2 m x chiều cao 0,7m), hoặc hình chữ nhật (kích cỡ bể: dài x rộng x cao = 2,5 x 1,5 x 0,7 m). Thiết kế hệ thống đường cấp nước sát đáy bể để tạo dòng chảy, kết hợp máy sục khí cung cấp ô-xy cho bể ương; máy bơm nhỏ (dùng cho bể nuôi cá cảnh) tạo dòng chảy.

- Độ sâu mực nước trong bể ương: 0,4 – 0,5 m

- Kích cỡ cá thả: Cá hương (3 – 4 cm) khỏe mạnh, không dị hình, màu sắc sáng, bơi lội bình thường, một số con đã chuyển sang giai đoạn sống đáy (nằm yên dưới đáy bể, gióng nước) vào ban ngày.

- Mật độ: 500- 600 con/m3

- Thời gian ương: 50 ngày.

- Cho cá ăn:

Đối với thức ăn là giun trùn chỉ, cho cá ăn tối đa tới khi cá ngừng bắt mồi (lượng thức ăn vừa đủ sau 30 phút cho ăn), cho cá ăn giảm dần qua các tuần 1 -2 -3 (5 bữa - 3 bữa – 1 bữa).

Cá xay nhỏ bắt đầu cho ăn vào tuần thứ 2, lượng cá xay cho ăn 10 -15% tổng khối lượng cá trong bể, cho cá ăn 2 bữa/ngày vào tuần 2 và 3, sau đó tăng số bữa cá xay cho các tuần sau (3 bữa/ngày).

Thức ăn công nghiệp (hàm lượng protein >40%) được bắt đầu cho ăn vào tuần thứ 3 của giai đoạn ương cá hương lên giống, cho ăn 10% tổng khối lượng cá trong bể trong 1 ngày, 2 bữa/ngày.

- Chế độ thay nước: Nguồn nước sử dụng ương cá là nước giếng khoan, nước phải được lọc qua hệ thống lọc sinh học để hạn chế các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài vào bể ương. Lượng nước lưu thông qua bể: 200 – 300 %/ngày. Thường xuyên si-phông đáy bể loại bỏ phân và thức ăn thừa. Định kỳ 3 ngày chuyển toàn bộ cá sang bể ương mới. Yêu cầu chất lượng nước trong ương nuôi cá chiên giống nêu tại bảng sau:

TT

Thông số

Giá trị giới hạn

1

Độ sâu

40-50cm

2

pH

7,0 – 7,5

3

Nhiệt độ nước

22 – 28 độ C

4

Ô xy hòa tan

≥ 5mg/l

5

NH3 (mg/l)

<0,01

6

NO2 (mg/l)

<0,25

7

H2S (mg/l)

<0,01

 

- Quản lý môi trường nuôi: Cá trong giai đoạn này bắt đầu chuyển hoạt động sang sống đáy và ít hoạt động vào ban ngày, bể ương phải được che lưới đen để giảm bớt cường độ chiếu sáng. Cá thường tập trung tại đầu vòi nước, bám mình vào thành bể.

- Thời gian thu hoạch: Sau giai đoạn 50 ngày ương cá đạt kích cỡ 6 – 8 cm/con.

5. Thu hoạch và vận chuyển cá giống:

5.1. Đối với cá bột:

Dùng vợt mềm gom cá bột, sau đó dùng bát múc cá bột chuyển ra bể ương. Thao tác cần nhẹ nhàng, tránh gây stress cho cá. Trong trường hợp vận chuyển xa, chọn phương pháp vận chuyển kín, mật độ tối đa 10.000 cá bột/túi (kích thước túi 60cm x 40cm x 40cm). Tỷ lệ hao hụt do vận chuyển cho phép ≤ 5%.

5.2. Đối với cá hương:

Giai đoạn này cá hoạt động mạnh. Do đó việc thu hoạch (chuyển bể ương) phải thao tác nhẹ nhàng, tránh stress và làm xây xát cá.

Vận chuyển cá hương bằng phương pháp vận chuyển kín. Mật độ tối đa 500 con/túi (kích thước túi 60 cm x 40 cm x 40 cm). Tỷ lệ hao hụt cho phép ≤ 5%.

5.3. Đối với cá giống:

Giai đoạn này cá chuyển sang sống đáy, vây ngực có gai sắc nhọn. Do đó khi thu hoạch, vận chuyển phải nhẹ nhàng, mật độ vận chuyển thấp.

+ Phương pháp vận chuyển kín: vận chuyển bằng túi PE (kích thước túi 60 cm x 40 cm x 40 cm) đóng ô-xy kín. Lấy nước sạch từ giếng khoan hoặc nước máy với lượng nước từ 40 – 50 lít/túi. Dùng vợt mềm múc từng con một đưa vào túi vận chuyển, đóng ô xy căng rồi dùng dây chun buộc chặt miệng túi. Mật độ tối đa khi vận chuyển kín là 150 con/túi. Tỷ lệ hao hụt cho phép trong quá trình vận chuyển là ≤10%

+ Phương pháp vận chuyển hở: tối đa 500 con/m2 bể, xe vận chuyển có thùng bảo ôn, hệ thống sục khí và ô-xy tươi. Tỷ lệ hao hụt cho phép ≤ 10%.

Đức Thịnh (gt)