Vụ đông xuân ấm do ảnh hưởng của El Nino 2015-2016 được dự báo bởi tất cả các cơ quan khí tượng thủy văn trên thế giới và khu vực, nhưng dự báo xa về hiện tượng cực đoan, rét hại và rất rét như đợt này thì đề cập còn hạn chế.

Ngoài dự đoán các cơ quan khí tượng

Các dự báo đều đưa ra là có rét nhưng khả năng rét hại, vượt qua ngưỡng rét đậm, và rét xuống đến âm, không độ ở miền núi phía Bắc, dưới 8 - 9 độ C ở đồng bằng Bắc bộ và trung du, miền núi phía Bắc là “ít có khả năng xảy ra".

Tuy nhiên đợt rét bắt đầu từ 22/1/2016 là một hiện tượng “cực đoan” mà không đài nào dự báo dài hạn đưa ra được. Nhưng đợt rét này đã được dự báo trước hàng tuần về một khối không khí lạnh cực mạnh ở phía Bắc, gây bão tuyết ở Nhật Bản, 90% lãnh thổ Trung Quốc chìm trong lạnh giá và băng tuyết.

Chưa bao giờ có tới 20 điểm ở miền Bắc Việt Nam có băng tuyết, và băng tuyết xuất hiện ở cả Hà Nội (huyện Ba Vì) và Thanh Hóa, Nghệ An. Thông tin này cũng đã được chúng tôi đề cập trong một số bài viết và phỏng vấn chỉ đạo sản xuất.

Đợt rét và hiện tượng cực đoan này đã gây thiệt hại khá lớn cho sản xuất nông nghiệp, nghiêm trọng nhất là chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Chúng ta đều thấy, đang ở nền nhiệt khá cao 22-25 độ C, chỉ trong thời gian khá ngắn, 1-2 ngày nhiệt độ nhanh chóng tụt sâu ở ngưỡng dưới 10 độ C và vùng núi xuống đến gần không độ C.

Sốc nhiệt là phản ứng tất yếu và nếu không thích ứng nhanh, chỉ còn con đường chết. Vì vậy dù đã nhanh chóng chỉ đạo nhưng nông dân không thể phản ứng kịp khiến hàng ngàn con gia súc, đại gia súc ở khu vực nhiệt giảm sâu ngã ra chết trong vài ngày sau rét.

Băng tuyết bao phủ các vườn cây dược liệu, rau màu.., và chắc vài ngày tới thì hiện tượng chết cháy do băng tuyết, do lạnh gây đông rồi vỡ tế bào càng rõ nét. Diện tích mạ còn non, không che phủ, thiếu nước cũng sẽ bị táp lá, nguy cơ chết cao.

4 cái lợi nhãn tiền

Tuy vậy, tôi đánh giá đợt rét hại này sẽ lợi lớn hơn hại cho khu vực Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Hồng. Vì sao vậy, xin được chỉ ra các điểm lợi sau:

Suốt cả vụ đông, tháng 11, 12 và hai tuần đầu tháng 1, nhiệt độ trung bình tháng đều cao hơn trung bình nhiều năm hơn 2 độ C, hai tuần của tháng 1/2016 cũng như vậy.

Và nếu tính bình quân nền nhiệt thì cả mùa đông 2015-2016 nhiệt độ cao hơn các mùa đông trước và là mùa đông ấm (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia).

Với mùa đông ấm như vậy hệ lụy kéo theo sẽ là: Mạ gieo sớm, sinh trưởng nhanh và số lá đã đạt ngưỡng mạ già, nếu cứ ấm, khi cấy lúa ở đồng bằng sông Hồng chắc sẽ nguy cơ cao trổ bông đầu tháng 4, Bắc Trung bộ trổ bông giữa tháng 4.

Bộ NN- PTNT cũng vừa triệu tập các tỉnh họp về “chống ấm” (ngày 20/1/2016) và những lo ngại phải chỉ đạo róng riết khi một số vùng bà con nông dân vẫn làm trước lịch và đã gieo cấy từ xung quanh 15/1 đến 20/1.

Đợt lạnh này sẽ góp phần hạn chế và có thể sẽ “triệt tiêu” những nguy cơ của trà mạ gieo sớm có 6 và trên 6 lá, trà dài ngày, trung ngày đã cấy ở cả khu vực Bắc Trung bộ và trung du, miền núi phía Bắc.

Rét sẽ làm “chột” thậm chí sẽ gây chết một phần diện tích cấy sớm của trà lúa này nếu bà con bón lót đạm urea hoặc NPK có hàm lượng đạm cao, thiếu lân, ruộng khô, nước không ngập chân mạ. Cái lo ngại về lúa đông xuân 2015-2016 trổ sớm vụ này đã được giải tỏa.

Không ít vùng bà con gieo mạ trà xuân muộn và có ý đồ cấy xong trước tết, trước lập xuân để ăn tết cho “ngon”, trận rét này dĩ nhiên sẽ kìm lại và chắc phải lùi để cấy sau tết âm lịch. Theo dự báo, sau lập xuân vẫn còn có những đợt rét nhưng không đến mức “khủng” và cực đoan như đợt này.

Và như vậy là trong khung mong muốn và chỉ đạo của chúng tôi cũng như nhiều tỉnh. Làm được như vậy, lúa trà xuân muộn sẽ trổ vào thời điểm 5-15/5, một khung an toàn và đạt năng suất cao cho lúa vụ xuân ở miền Bắc.

Đang ấm, nóng vốn là điều kiện nhiệt khá thuận cho sâu bệnh, côn trùng gây hại rút nhanh vòng đời, tích lũy mật độ tạo nguy cơ lớn cho việc bùng phát dịch hại cho cây trồng vụ xuân, bỗng nhiên bị trận rét cực đoan giống như con dao sắc chém đứt đoạn, lo ngại về một vụ xuân do El Nino nóng ấm với công tác bảo vệ thực vật nhẹ đi rất nhiều.

Không khí lạnh, kéo theo mưa rào, mưa rộng khắp miền với lượng mưa lên tới vài chục mm, lại đang bắt đầu đợt lấy nước đổ ải cho vụ xuân, đất được cơ hội no nước, khu vực mưa lớn thì cũng lênh láng nước trên đồng; tiết kiệm hàng tỷ mét khối nước phải xả từ các hồ thủy điện vốn đã căng lên vì hạn, đỡ hàng vài trăm tỷ đồng phải bơm nước cho các vùng cao.

Đợt lạnh này quả là đổ vàng vào nhà cho ngành điện và thủy lợi. Thay vì xả nước 6 ngày, chỉ 4 ngày đã là đủ.

Đó là 4 cái lợi trong một số ít những cái không lợi của đợt rét hại này.

Những khuyến cáo không thể bỏ qua 

+ Ngừng cấy, ngừng gieo cho đến khi nhiệt độ được dự báo lên ngưỡng gần 20 độ C là tốt nhất. Theo dự báo trên các trang mạng thì đợt rét này đã gần qua ngưỡng rét hại, chỉ còn rét đậm và sau lập xuân, tháng 2 vẫn được dự báo là nhiệt độ ấm hơn trung bình nhiều năm.

Vì vậy trà xuân muộn với các giống lúa ngắn ngày, lúa lai, lúa Japonica (lúa Nhật) sẽ là nhóm giống và trà lúa lý tưởng cho bà con ở vụ xuân, gieo cấy trà này cứ bình tĩnh và chả phải “lăn tăn” gì rét đậm, rét hại hay nóng ấm.

Khung thời vụ trà này còn khá rộng và nhất là gieo sạ gieo vãi sẽ giúp bà con tiết kiệm chi phí lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Tranh thủ ấm lên, làm đất nhanh trước tết để ruộng chờ mạ, chỉ bón lót lân hoặc loại phân NPK chuyên lót có hàm lượng lân cao, bón lót đúng cách, bón trước bừa cấy và lót sâu.

Giữ nước đều mặt ruộng với những ruộng đã cấy, ruộng mạ chưa cấy, nếu thiếu nước, khô hạn, gặp rét dài hơn lúa sẽ chết-Nước như áo của lúa xuân là vậy.

+ Bảo vệ tốt diện tích mạ đã gieo: Che phủ vòm nilon cho mạ, giữ nước ngập chân mạ, bón thêm lân suppe trộn tro bếp mục, không bón thúc đạm cho mạ.

+ Với các vùng bà con đã cấy trước khi xảy ra rét hại: Khi trời ấm lên, kiểm tra ngay tình trạng mạ và lúa đã cấy, nếu nhổ lúa thấy rễ lúa đã đen lại, không có rễ trắng, các lá trên đã có biểu hiện héo, gốc thân chuyển đen, cần chủ động bố trí gieo bổ sung bằng các giống trà xuân muộn, lúa thuần, lúa lai để thay thế diện tích này.

Thau chua, rửa mặn cho diện tích phèn mặn, có điều kiện tháo cạn nước sau khi lồng đất 2-3 ngày, khi bùn đã lắng.

+ Với cây rau màu: Tủ rơm, rạ hoặc nilon cho diện tích mới trồng, tưới đủ nước, tốt nhất tưới bổ sung bằng nước lân supe. Bảo vệ diện tích ương cây giống, con giống, khi thời tiết ấm tranh thủ trồng ngay rau màu vụ xuân, để đảm bảo nguồn cung và tranh thủ cơ hội về giá, nâng cao thu nhập....

Trần Xuân Định 

(Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt)

(Theo nongnghiep.vn)