Vào đầu tháng 5 thời tiết có mưa rào xen kẽ nắng nóng, độ ẩm không khí cao thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt nhưng cũng đồng thời là điều kiện thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây vải, đặc biệt là sâu đục cuống quả. Nếu không phòng trừ kịp thời, sâu non sẽ gây hại nặng trong thời gian tới gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng quả vải.

Giai đoạn sâu non đục cuống quả là giai đoạn sâu gây hại mạnh nhất. Đặc điểm sâu non sau khi nở sẽ trực tiếp đục từ vỏ quả vào cuống quả đến đầu hạt quả. Suốt đời sống của sâu non ở trong hạt cho đến khi sâu đẫy sức mới ra ngoài hóa nhộng. Vì vậy diệt trừ sâu ở giai đoạn trứng và sâu non hiệu quả không cao nên bà con phải diệt trừ con trưởng thành ở giai đoạn chúng đẻ trứng.

Sâu non hóa nhộng

 

Trưởng thành sâu đục cuống quả vải 

 

Để phòng trừ sâu đục cuống quả đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo bà con cần thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sau:

- Tiếp tục làm tốt công tác tỉa cành lá bên trong tán, tạo cho tán lá thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của trưởng thành sâu đục cuống quả;

- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời;

- Ngắt và tiêu hủy các lá có sâu non hóa nhộng, thu gom tiêu hủy quả bị sâu hại.

- Tập trung phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu đục cuống quả vải từ nay cho đến hết đến ngày 20/5/2020 bởi sâu trưởng thành lứa 3 đang rộ (có hiện tượng gối lứa).

- Các loại thuốc được khuyến cáo để phun phòng trừ sâu đục cuống quả vải là thuốc có chứa một trong các hoạt chất sau: Emamectin, Abamectin, Matrine, rotennone... Nồng độ sử dụng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.

Quả vải chưa bị sâu hại cuống còn lõm (trái)
Quả vải bị sâu hại có cuống lồi (phải)
 

 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia