Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, nhận định sơ bộ xu thế thời tiết, thủy văn từ nay đến hết mùa mưa, bão, lũ năm 2014, cụ thể: Từ tháng 8 đến tháng 12/2014, nền nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Lượng mưa ở Nam Bộ các tháng 10 đến tháng 12/2014 khả năng ở mức xấp xỉ dưới so với TBNN cùng thời kỳ. Có khả năng mùa mưa ở Nam Bộ kết thúc sớm hơn bình thường. Trong mùa khô năm 2014/2015, dòng chảy trên sông Mê Kông luôn ở mức xấp xỉ hoặc lớn hơn một ít so với TBNN (do điều tiết của các hồ chứa vùng thượng lưu). Tình trạng xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện sớm và sâu hơn vào nội đồng từ 40 - 50km, có nơi sâu hơn. Khả năng khô hạn xảy ra trên diện rộng ở khu vực miền Đông Nam Bộ.

Vụ đông xuân (ĐX) 2014 - 2015, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1.694.686 ha, giảm 3.261 ha; năng suất: 7,08 tấn/ha, tăng 0,035 tấn/ha và sản lượng 11.999.279 tấn, tăng 36.149 tấn so với ĐX 2013 - 2014. Trong đó:

- Đông Nam Bộ gieo sạ 134.871 ha, giảm 0 ha;  năng suất: 5,76 tấn/ha, tăng 0,04 tấn/ha và sản lượng 777.512 tấn, tăng 4.747 tấn so với ĐX 2013 - 2014.

- Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1.559.815 ha, giảm 3.261 ha;  năng suất: 7,19 tấn/ha, tăng 0,04 tấn/ha và sản lượng 11.221.767 tấn, tăng 31.149 tấn so với ĐX 2013 - 2014.

1. Về thời vụ:

Năm 2014, nhuận hai tháng 9 âm lịch, các tháng nhuận này nằm vào thời điểm xuống giống vụ ĐX, ảnh hưởng đến lịch thời vụ của vùng hạ du sông Tiền và sông Hậu. Do việc có tháng nhuận nên chênh lệch về thời điểm xuống giống và thu hoạch của lúa ĐX 2014 - 2015 sẽ sớm hơn 20 ngày so với ĐX 2013 - 2014 theo dương lịch. Cần lưu ý lịch thời vụ này trong tổ chức triển khai sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa. Căn cứ vào thực tế sản xuất vụ thu đông năm 2014 và căn cứ vào việc sắp xếp thời vụ sản xuất lúa của năm 2015. Căn cứ vào dự báo tình hình rầy nâu di trú và rây nâu tại chỗ của Cục BVTV và các cơ quan BVTV tại địa phương.

Dựa vào dự báo tình hình tiêu thụ lúa, gạo năm 2015. Lịch xuống giống lúa ĐX 2014 - 2015 cần phải kiên quyết theo lịch thời vụ khuyến cáo vì:

          (i) Sản xuất lúa ĐX 2014 - 2015 là vụ lúa chính và là vụ khởi đầu của hơn 70% diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, thời vụ đông xuân sẽ quyết định thời vụ của các vụ lúa còn lại trong năm 2015, Do xuống giống sớm sẽ có cơ hội sắp xếp lại lịch thời vụ, mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng 2015, chủ động trong kế hoạch sản xuất lúa thu đông (TĐ) 2015.

          (ii) Việc xuống giống lúa ĐX 2014 - 2015 sẽ có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân

          (iii) Xuống giống lúa ĐX trong tháng 11 sẽ nằm trong thời gian tốt nhất cho cây lúa sinh trưởng và phát triển và cho năng suất cao.

Thời vụ ĐX 2014 - 2015 được đề nghị như sau:

Thời vụ xuống giống lúa ĐX 2014 - 2015 trong toàn vùng Nam bộ được đề nghị gồm có 2 đợt chính như sau:

-  Xuống giống sớm: từ ngày 10/11 đến ngày 20/11/2014 (tức từ 18/9 đến 28/9 nhuận theo âm lịch) xuống giống 200.000 ha khu vực ven biển Nam bộ.

-  Đợt 1: từ ngày 25/11 đến ngày 5/12/2014 (tức từ mùng 5/10 đến 14/10 theo âm lịch) xuống giống 600.000 ha vùng phù sa ngọt.

- Đợt 2: từ ngày 11/12 đến ngày 31/12/2014 (tức từ ngày 20/10 đến 10/11 theo âm lịch) xuống giống 700.000 ha vùng thượng lưu sông Tiền, sông Hậu.

- Một số vùng khó khăn sẽ xuống giống trong 10 ngày đầu tháng 1/2015.

2.  Về cơ cấu giống lúa vụ ĐX 2014 - 2015

a) Định hướng cơ cấu giống lúa

Định hướng trước mắt, cũng như lâu dài về cơ cấu giống lúa vùng Nam Bộ, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long là phải theo yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giống chủ lực là giống có thị trường tiêu thụ lớn và có giá bán cao.

Trong vụ ĐX 2014 - 2015 cần tiếp tục thực hiện phương châm chỉ đạo về cơ cấu giống của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong những năm qua là: “Tinh giảm số giống, mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4-5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới; cơ cấu một giống không vượt quá 20%”.

Căn cứ vào thực tiễn sản xuất và tiêu  thụ lúa gạo năm 2014 và số liệu tổng hợp từ các địa phương Cục Trồng trọt đề xuất các nhóm giống chủ lực cho sản xuất vụ ĐX 2014- 2015 như sau:

+ Nhóm giống cao sản chất lượng cao: OM5451, OM4900, OM7347, OM4218, OM 2517, OM 6976...

+ Nhóm giống lúa thơm và lúa nếp : Jasmine 85, VD20, ST5, Nàng Hoa 9, nếp IR4625, nếp Bè...

+ Các giống lúa chống chịu phèn mặn trung bình-khá: AS996, OM2395, OM2517, OM5451, OM6677, OM576, OM6976...

b) Cơ cấu giống lúa cho các tiểu vùng sinh thái

 Từ các nhóm giống lúa trên, tùy theo tiểu vùng sinh thái mà các địa phương sẽ cho lựa cơ cấu giống cho địa phương mình. Cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng sinh thái ở Nam Bộ trong vụ ĐX 2014-2015 được đề xuất như sau:

- Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu: ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao:

+ Giống chủ lực: Jasmine 85, OM4900, OM6976, OM4218, OM5451...

+ Giống bổ sung: OM2514, Nàng Hoa 9, OM6561, AGPPS103, OM7347, VD20, IR50404...

- Vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên: ưu tiên sử dụng các giống lúa có khả năng thâm canh cao, chất lượng khá-tốt:

+ Giống chủ lực: OM4900, OM7347, OM6976, OM4218, OM5451, Jasmine 85..

+ Giống bổ sung: IR50404, OM2517, OM6162, OM5954, OM8017, GKG1...

- Vùng Đồng Tháp Mười: ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình - khá:

+ Giống chủ lực: IR50404, VD20, OM6976, OM4218, OM4900, OM5451...

+ Giống bổ sung: Jasmine 85, Nàng Hoa 9, OM7347, nếp IR4625, nếp Bè...

- Vùng ven biển Nam Bộ: ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, chịu điều kiện khó khăn:

+ Giống chủ lực: OM4900, OM6976, OM5451, OM6162, IR50404...

+ Giống  bổ sung: ST5, OC10, OM576, OM1325 và OM1328 (nhóm B), lúa lai B-TE1,

- Vùng bán đảo Cà Mau: ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn:

+ Giống chủ lực: OM2517, IR50404, OM6162, OM5451, OM576, OM4900...

+ Giống bổ sung: OM6976, ST5, OM7347, OM5954, OM2395, OM6162, Một bụi đỏ, B-TE1...

- Vùng Đông Nam Bộ:

+ Giống chủ lực: OM4900, OM6976, OM5451, ML48, Jasmine 85...

+ Giống bổ sung: OM7347, OM4218, OM6162, ML202, TH6, IR64 ...

c)  Các giống lúa có triển vọng

Ngoài các giống lúa trên cần bố trí một diện tích sản xuất các giống lúa nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại từng địa phương, được đề xuất như sau: OM8017, OM8018, OM221, OM2012, OM9915, OM9916, GKG8, OM9582, OM20, OM9605, OMCS10434…

Trong cơ cấu giống lúa cần quan tâm nhóm giống đặc sản phục vụ cho việc nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân các địa phương Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

3. Công tác tổ chức và chỉ đạo sản xuất

- Tiếp tục chăm sóc lúa TĐ và mùa,  theo dõi tình hình phát sinh, phát triển dịch hại trên đồng và có kế hoạch phòng trị kịp thời.

- Tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo và chú ý đến bố trí thời vụ, tiếp tục thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Từng địa phương có kế hoạch xuống giống trong khung thời vụ chung của Cục Trồng trọt, trong đó lưu ý thông báo rầy di trú tại chỗ của cơ quan BVTV.

- Tăng cường công tác sản xuất giống lúa, đẩy nhanh tiến độ sử dụng giống lúa xác nhận I trong sản xuất từng vụ lúa. Hạn chế và quản lý chặt chẽ việc phóng thích các giống lúa mới chưa được công nhận trong sản xuất, kinh doanh theo quy định hiện hành.

- Khuyến cáo việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ.

- Sơ kết các mô hình “cánh đồng lớn” rút kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai và đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển, nhân rộng.

- Đánh giá việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỉ lệ áp dụng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.

- Trồng nấm và sử dụng rơm rạ sẽ góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính đồng thời sẽ sử dụng hợp lý các phụ phẩm ngành trồng lúa làm tăng giá trị trong sản xuất lúa, gạo.

Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Sở nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch, triển khai và theo dõi tình hình sản xuất lúa; theo dõi chặt chẽ sản xuất lúa ở các tiểu vùng sinh thái và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết, khí tượng thủy văn ổn định sản xuất lúa.

 PGS.TS Phạm Văn Dư – PCT Cục Trồng trọt

Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam, Số 20/2014