Tuy nhiên, trồng hành lá vào mùa mưa thường có nhiều bất lợi do dịch hại nhiều (nhất là bệnh đốm lá), năng suất, chất lượng giảm mạnh, đồng thời khi gặp mưa lớn sẽ gây ra việc ngập, úng nước làm cây khó phát triển, bộ rễ dễ bị thối, chết, chi phí canh tác tăng cao. Vì thế, để canh tác cây hành lá trong mùa mưa cần chú ý một số vấn đề trọng tâm sau:

1. Làm đất

Để canh tác hành lá tốt, cho năng suất cao, điều quan trọng là kỹ thuật làm đất và nơi trồng phải thoát nước tốt. Tức là chọn những nơi đất có bờ cao hoặc ruộng không bị ngập nước để trồng. Riêng đối với những ruộng có địa hình thấp, trước hết phải làm đất, lên liếp cao ráo, chiều ngang mặt liếp trồng hành vào mùa mưa phải rộng hơn mùa nắng, có mương rãnh thoát nước. Điều đặc biệt là nền đất không được xới cho tơi xốp, quá nhuyễn như mùa nắng để tránh đất hút nhiều nước, dễ bị lèn mặt và gây ngập úng.

Vào mùa mưa nên tủ liếp bằng rơm rạ để tránh mặt liếp bị lèn

Liếp trồng hành có thể rộng từ 1,2- 1,4 mét, cao khoảng 40 - 45 cm, cần dọn sạch cỏ dại và tàn dư vụ trước.

Trong quá trình làm đất, nên kết hợp bón lót phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học và bón vôi (20 – 30 kg/ 1.000 m2). Đồng thời, tăng lượng phân lân cho đất nhằm khử chua và tăng độ phì.

2. Mật độ trồng

Nên trồng thưa hơn mùa nắng: Khoảng cách hàng cách hàng 30 - 35 cm; cây cách cây 25 - 30 cm; khoảng cách rãnh giữa 2 liếp rộng 30 - 35 cm. Thay vì mùa nắng trồng với lượng giống 390 -  420 kg/1.000 m2 thì mùa mưa nên trồng với lượng giống từ 210 – 240 kg/1.000 m2.

3. Trồng cây

Vào mùa mưa để giữ ẩm, chống xói mòn đất, rửa trôi chất dinh dưỡng cũng như tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu, hạn chế cỏ dại,… nên sử dụng rơm rạ để phủ lên liếp trồng hành. Đồng thời để giúp cây phát triển nhanh hơn thì dùng chày có đầu nhọn tỉa lỗ với độ sâu 2-3 cm rồi cấy hành vào. Tuyệt đối không tỉa lỗ quá sâu (4-5 cm) vì khi mưa nhiều, nước mưa sẽ đọng lại ở lỗ đã tỉa, gây ra hiện tượng thối rễ hành.

4. Chăm sóc

- Thường xuyên tỉa bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, nhằm tạo độ thông thoáng trên mặt liếp, giảm độ ẩm, góp phần hạn chế sự phát sinh, phát triển và gây hại của sâu bệnh. Khi chăm sóc tránh làm xây xát cây. Nên nhổ bỏ các cây bệnh nặng đem ra khỏi ruộng hành, sau đó rắc vôi bột vào gốc cây đã nhổ.

- Người trồng hành cần làm cỏ thường xuyên để hạn chế đến mức tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với cây trồng, đồng thời loại bỏ được nơi trú ngụ, ẩn nấp và nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại cho cây hành.

- Sau các trận mưa to cần khơi thông mương rãnh càng sớm càng tốt, để thoát nước nhanh, không để ngập nước dễ gây thối rễ, chết cây và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh, phát triển và gây hại.  

- Cần tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma bằng cách ủ với phân hữu cơ để bón lót nhằm hạn chế một số loại nấm bệnh, khi cây được 5 – 7 ngày tuổi thì có thể hòa với nước để tưới vào gốc cây. Đặc biệt lưu ý không nên bón quá nhiều phân đạm, vì làm như vậy cây sẽ có bộ lá sum suê, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch hại tấn công, mà còn để lại một lượng nitrat dư tồn trong cây hành, làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần cân đối bổ sung thêm phân lân và phân kali vào chế độ cung cấp dinh dưỡng khi bón phân cho cây hành.

- Khi mưa nhiều tuyệt đối không nên dùng các chất kích thích sinh trưởng như GA3 (axit gibberellic) hay NAA (Naphthaleneacetic axit) để kích thích rễ, chỉ nên dùng các sản phẩm hữu cơ, sinh học giúp tăng cường bộ rễ, giúp rễ phát triển tốt và khỏe mạnh. Đồng thời, cần cung cấp thêm phân vi lượng giúp cứng cây, không bị cháy đầu lá hành.

- Vào mùa mưa, bệnh hại thường xuất hiện nhiều trên các ruộng hành. Phun ngừa các bệnh bằng thuốc gốc đồng và các kháng sinh có hoạt chất Kasugamycin (Kasumin 2SL), Streptomycin (Miksabe 100WP). Đối với bệnh đốm lá, thán thư trên hành có thể  sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG), Metalaxyl (Mataxyl 500WP), Carbendazim (Carbenvil 50SC),....

- Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên hành lá bằng thuốc bảo vệ thực vật cần đặc biệt chú ý không nên dùng nhiều lần cùng một loại hoạt chất, phải luân phiên các loại hoạt chất với nhau để tránh khả năng kháng thuốc của các đối tượng dịch hại. Đồng thời phải đảm bảo thời gian cách ly từ 7 -14 ngày trước khi thu hoạch, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hồng Thắm

Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long