Anh Trần Tuấn Dũng (mặc áo kẻ ô) đang hướng dẫn khách tham quan vườn nhãn của gia đình

Hiện nay, anh Dũng có 5 ha nhãn 13 - 14 tuổi, năng suất trung bình 100 kg/cây. Ngoài ra, anh còn có 500 gốc bưởi, 600 gốc cam sành, 1.000 gốc quýt đường. Trong đó bưởi, cam, quýt vừa trồng xen vừa trồng thuần cho năng suất, chất lượng rất cao mà không ảnh hưởng tới cây nhãn. Đặc biệt, quýt trồng xen nhãn có cây cho thu nhập tới 4 triệu đồng/cây/năm. Tổng thu nhập khoảng gần 1 tỷ đồng/năm. Với 15 năm làm nghề trồng nhãn, anh rút ra một số kinh nghiệm sau:

1. Chọn giống phù hợp với chất đất, nhãn tiêu da bò cơm dày khô ráo, trữ lượng đường không bị mất khi làm long nhãn, được các thương lái ưa chuộng nhất là các thương lái thu mua làm long nhãn để xuất sang Trung Quốc (nhãn xuồng cơm mỏng, ướt, khó làm long nhãn).

2. Mật độ: Ban đầu trồng mật độ 5 m x 5 m, sau tỉa cành tạo tán dần thành 10 m x 10 m, tỉa tất cả các cành bị che khuất ánh sáng (vì thiếu ánh sánh những cành này không cho trái, tiêu tốn dinh dưỡng) và trồng xen cam, quýt đường, bưởi vào những chỗ này (do bưởi, cam quýt cần ít ánh sáng)

3. Chăm sóc: Bón phân cân đối NPK, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu quyết định năng suất chất lượng của cây nhãn. Tùy theo sản lượng của từng cây mà số lượng phân bón khác nhau; trung bình sản lượng 100 kg/cây/năm anh bón 7 kg phân bón các loại (gồm NPK, phân chuồng, phân vi sinh). NPK dùng loại 20-20-15 chứ không dùng 16-16-8. Thực tế, anh chỉ dùng 3 loại chính đó là: Phân Nitrophoska 13-9-16-4+7S (4 là hàm lượng Mg); ENTEC 24-8-7-2S; và Canxium BORON cùng phân chuồng và phân vi sinh. Tuy nhiên, sử dụng 3 loại phân trên thì số lượng sẽ ít hơn là dùng NPK; chất lượng, tỷ lệ các thành phần đảm bảo hơn, giá cả cũng cao hơn NPK (phân bón đảm bảo uy tín, chất lượng, đủ thành phần; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng). Khi nhãn cho trái nhỏ bón chủ yếu là phân Nitrophoska; khi nhãn cho trái lớn bón đồng thời 2 loại Nitrophoska và ENTEC; khi trái gần thu khoảng 1 tuần thì bổ sung Canxium BORON để vỏ nhãn dày, không bị nứt trái, cành giòn dễ bẻ khi thu hoạch. Nếu bón phân không cân đối trái bị thâm đen, vỏ mỏng, dễ nứt.

4. Khi quả to gần bằng đốt ngón tay, anh bón phân tăng gấp 2 lần liều bình thường đã bón dẫn tới hiện tượng sốc sinh lý làm hầu hết các trái nhỏ chậm lớn bị rụng để tập trung chất dinh dưỡng nuôi các trái to hữu hiệu còn lại.

5. Để hạn chế bệnh chổi rồng, khi cây ra đọt non, anh chăm sóc bón phân kịp thời đầy đủ để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng. Đồng thời tính toán kỹ chu kỳ sinh trưởng và phát triển của nhện lông nhung (tác nhân gây bệnh chổi rồng) để dùng thuốc trị một cách triệt để. Chính vì vậy mà vườn nhãn rất ít bị chổi rồng.

6. Chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học hoặc các loại thuốc làm sâu ăn vào bị ngán và tự bỏ đi, dùng đèn dụ bướm trên mặt ao để thu bắt bướm đẻ trứng. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Hiện nay, anh đang thử nghiệm trồng 02 ha nhãn sạch không sử dụng thuốc trừ sâu.

7. Trồng xen quýt đường, cam, bưởi vào những chỗ ít ánh sáng trong vườn nhãn. Xử lý một số diện tích nhãn cho chín muộn để nâng cao giá bán, tăng thu nhập.

Điều băn khoăn, mong mỏi nhất của anh Dũng và bà con nông dân trồng nhãn trong vùng là các công ty cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải đặt chất lượng lên hàng đầu để người nông dân tránh mua phải sản phẩm trôi nổi kém chất lượng; các cơ quan ban ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa để tạo chỉ dẫn địa lý, giá cả, đầu ra ổn định. Trong thời gian tới cần thành lập tổ hợp tác, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tiến tới thành lập hợp tác xã kiểu mới nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định, tạo tính cạnh tranh giúp nghề trồng nhãn ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Thị Hạnh

Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long, Bình Phước