Ông Đào Minh Toàn - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Xuyên Mộc cho biết, từ cuối tháng 6, loại dịch bệnh này tiếp tục xuất hiện và gây hại trở lại. Toàn tỉnh đã có 30 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc. Sau khi phát hiện dịch bệnh, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản và đề nghị chủ vườn nhổ bỏ, tiêu hủy 20 ha theo quy trình hướng dẫn của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Do đó, đến nay tỉnh chỉ còn 10 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá với mức độ gây hại rất nhẹ, từ 1-3%. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp xử lý sinh học, hóa học theo quy định.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài nhổ bỏ, tiêu hủy, khi phát hiện sắn mắc bệnh, Chi cục còn hướng dẫn nông dân biện pháp phòng ngừa như phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tình hình buôn bán, sử dụng giống sắn, không vận chuyển thân lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh; tuyên truyền để người trồng, buôn bán giống sắn nắm rõ tác hại của bệnh khảm lá sắn và có biện pháp phòng chống; tuyên truyền cho nông dân biết và không trồng giống HL-S11 bởi đây là giống nhiễm bệnh khảm lá và là giống chưa được công nhận; khuyến cáo sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo nông dân không chủ quan, lơ là; đồng thời, chủ động làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch để giảm thiểu thiệt hại.

Từ cuối năm 2018, dịch bệnh khảm lá đã xuất hiện và tấn công, gây hại trên hơn 133 ha sắn khiến nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhờ có biện pháp kịp thời, toàn bộ diện tích nhiễm bệnh đã được xử lý, khống chế./.

Hoàng Nhị

TTXVN