Qua kiểm tra theo dõi của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho thấy, một số đối tượng sâu bệnh đang phát sinh gây hại trên các trà lúa mùa như: Sâu đục thân hai chấm lứa 4 nở mật độ ổ trứng trung bình 0,2 - 0,5 ổ/m2, cao 3 - 5 ổ/m2, sâu non sẽ gây bông bạc nặng cục bộ trên trà lúa mùa sớm, gây dảnh héo trên trà lúa mùa chính vụ, muộn, dự báo tỷ lệ hại có thể trung bình 5-10%, cao 15-20%, cục bộ > 30%.

Rầy nâu lứa 6 mật độ trung bình 300 - 500 con/m2, cục bộ 2.000 - 3.000 con/m2, dự báo rầy nâu tiếp tục gia tăng mật độ và có khả gây cháy cục bộ trên trà lúa mùa cực sớm và sớm giai đoạn đông sữa - chắc xanh từ đầu tháng 9 trở đi. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã và đang ra rộ, có khả năng gây hại diện rộng, nặng cục bộ trên tất cả trà lúa mùa sau ngày 25/8, đặc biệt trên những ruộng lúa xanh tốt bón thừa đạm lúa đang ở giai đoạn đòng - trỗ, dự báo mật độ trung bình 10 - 20 con/m2, cao 50 - 100 con/m2, cục bộ > 200 con/m2, nếu không tập trung chỉ đạo phòng trừ kịp thời sẽ làm trắng lá quang năng và lá đòng ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa.

Ngoài ra, các đối tượng khác như nhện gié, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt, đạo ôn cổ bông, chuột... dự báo tiếp tục phát sinh và gây hại cục bộ.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang yêu cầu phòng kỹ thuật và các trạm huyện, thành phố làm tốt công tác phối hợp với các phòng chức năng của huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông xã tiếp tục tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến và mức độ phân bố của các đối tượng sâu bệnh hại lúa mùa, đồng thời tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương tổ chức chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Cụ thể, đối với sâu đục thân hai chấm, chỉ đạo phòng trừ trên những ruộng mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 từ sau 25/8, đặc biệt trà lúa trỗ thấp tho bằng một trong các loại thuốc như DuPontTM Prevathon® 5SC; Virtako 40WG; Padan 95SP; Patox 95SP...

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, từ ngày 25/8 - 5/9/2015 khi cây lúa giai đoạn đứng cái làm đòng, phòng trừ những ruộng mật độ >20 con/m2, giai đoạn đẻ nhánh từ >50 con/m2 và sử dụng nhóm thuốc có nguồn gốc sinh học có hoạt chất Abamectin, Emamectin benzoate để phòng trừ.

Với tập đoàn rầy, chỉ đạo phòng trừ trên những ruộng mật độ >3.000 con/m2 bằng các loại thuốc đặc hiệu và căn cứ theo giai đoạn sinh trưởng của các trà lúa, cụ thể lúa ở giai đoạn trỗ - chắc xanh, sử dụng nhóm thuốc nội hấp, lưu dẫn như Oshin 20WP; Apta 30WP; Chess 50WG... Không sử dụng thuốc có hoạt chất Acetamiprid đối với vùng lúa xuất khẩu vào thị trường Nhật. Các trà lúa giai đoạn đỏ đuôi trở đi, sử dụng thuốc tiếp xúc, xông hơi như Bassa 50EC; Nibas 50ND; Penalty gold 50EC; Babsac 600EC.... Đối với những nơi có nguy cơ gây cháy cần hỗn hợp thêm một loại thuốc khác nhóm có tính năng tiêu diệt rầy cao để tăng hiệu quả phòng trừ.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân về sự chủ động theo dõi, kiểm tra đồng ruộng và tập huấn, hướng dẫn nông dân những biện pháp phòng trừ hiệu quả cao nhất.

Thanh Phúc

Trung tâm KNKN Bắc Giang