Thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên có hơn 40 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Do nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới đàn cá của người dân nơi đây. Ông Vũ Văn Sâm, thôn Tĩnh Lộc cho biết, mấy ngày nay cá rô phi trong ao của gia đình chết rải rác. Mỗi ngày vớt từ 20-30 con, trọng lượng khoảng 1kg/con. Tính theo giá thị trường, mỗi ngày gia đình ông thất thu gần 1 triệu đồng. “Tôi đang gọi thương lái, trong hai ngày tới phải thu hoạch xong, đề phòng rủi ro"- ông Sâm nói.

Nhiều gia đình khác trong thôn Tĩnh Lộc cũng bị thiệt hại do thời tiết nắng nóng như hộ bà Dương Thị Tươi, ông Giáp Văn Long, Nguyễn Văn Cử…  Bà Tươi cho biết, tháng 5, tháng 6 vừa qua, tiền điện của gia đình tăng gấp ba. Nắng nóng phải chạy máy sục tạo ô-xy cho cá liên tục nên chi phí dùng điện một tháng hết gần 2 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với các tháng trước. Ngoài ra, bà còn phải chi thêm những khoản khác như mua thuốc trị bệnh cho cá, vệ sinh ao, bơm thêm nước chống nóng, ngạt cho cá.

Theo ông Triệu Văn Sơn, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thủy sản Tĩnh Lộc, thôn Tĩnh Lộc, nắng nóng và các bệnh cá thường gặp trong mùa hè hầu như năm nào cũng diễn ra. Tuy nhiên, năm nay những ngày nắng nóng kéo dài hơn nên HTX đã tuyên truyền, thông báo đến từng hộ thành viên cách phòng bệnh, chống nóng, thiếu ô-xy cho cá. Tuy nhiên, hiện tượng cá chết vẫn xảy ra, chủ yếu là rô phi. “Trong những ngày thời tiết cực đoan, tôi cho cá ăn vừa phải, không để cá ăn quá no, gây hại đến đường ruột. Trước khi cho cá ăn phải kiểm tra nhiệt độ dưới ao nuôi, nếu nóng quá tôi chờ trời mát mới đưa thức ăn xuống”- ông Sơn chia sẻ.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có 12,4 nghìn ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành xuống giống. Trước tình hình trên, Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã có công văn đề nghị các Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp như: Dùng vôi bột để cải tạo đáy ao; trước khi thả giống cần tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) với nồng độ 2 -3‰ trong 5 -7 phút. Trong quá trình nuôi, định kỳ bón vôi 2 tuần 1 lần với liều lượng 2 - 3 kg/100m3 vào chiều tối. Thường xuyên quan sát hoạt động bắt mồi và bơi lội của cá, đặc biệt là vào thời điểm sáng sớm. Khi ao có dấu hiệu bất thường, cá mắc bệnh cần giảm khẩu phần ăn và có biện pháp xử lý kịp thời. Riêng đối với bệnh xuất huyết trên cá rô phi, người nuôi cần cải tạo và vệ sinh ao, sử dụng vôi bột, viên sủi, chế phẩm sinh học để xử lý nước. Ngoài ra định kỳ bổ sung vitamin C, Beta- Glucan trong khẩu phần ăn của cá. Ở những ao nuôi cá với mật độ cao, thiếu ô-xy và ao nuôi có nhiều khí độc cần bổ sung thêm nước mới, bố trí máy tạo ô-xy hòa tan cho cá.

Theo Báo Bắc Giang