Trong đó, trên cây lúa đang giai đoạn làm đòng – trỗ xuất hiện bệnh vàng lá với diện tích nhiễm trên 87 ha, nhiễm nặng gần 14 ha, cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên phòng trừ được khoảng 60 ha. Bệnh khô vằn xuất hiện nhiều ở huyện Tân Yên với diện tích nhiễm gần 1.900 ha, nhiễm nặng 04 ha và phòng trừ được hơn 1.500 ha. Đối tượng châu chấu gây hại trên 760 ha, tiến hành phòng trừ được 100% diện tích. Chuột gây hại trên 500 ha, trong đó 20 ha lúa bị nặng, tập trung tại huyện Yên Dũng, Việt Yên. Lúa bị đốm sọc vi khuẩn nhiễm 11 ha, nặng 0,5 ha và phòng trừ được 10 ha. Sâu đục thân cú mèo gây hại 10 ha tại huyện Tân Yên, cơ quan chuyên môn đang chỉ đạo phòng trừ. Sâu cuốn lá gây hại 1,5 ha và phòng trừ được 0,5 ha, tập trung ở huyện Hiệp Hòa.

Đối với cây lạc xuất hiện bệnh đốm lá với diện tích nhiễm 27 ha, đã phòng trừ được 20 ha, tập trung ở huyện Tân Yên, Hiệp Hòa. Trên cây rau màu khác rải rác có sâu cuốn lá nhỏ gây hại nhẹ.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên điều tra, theo dõi sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sâu bệnh; dự tính, dự báo mức độ gây hại của các đối tượng để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ kịp thời; khuyến cáo người dân nên thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sâu bệnh hại, áp dụng các biện pháp phòng trừ an toàn và hiệu quả. Cùng đó chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung khôi phục sản xuất sau ngập úng, tiến hành chăm sóc cây trồng kịp thời, rà soát số liệu về cây trồng vụ mùa để có phương án chuyển đổi phù hợp.

Được biết, vụ mùa năm nay tỉnh Bắc Giang gieo cấy được 57.200 ha lúa và gần 10.500 ha rau màu, đạt gần 96% kế hoạch.

Thanh Phúc

Trung tâm KN Bắc Giang