Tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc

Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn huyện Bắc Hà tăng cao, cùng với đó là nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gây hại cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Hà đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Do đó, chăn nuôi trên địa bàn huyện Bắc Hà luôn phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra trong vòng 5 năm nay, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Cụ thể:

Công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được Trạm đặc biệt chú trọng triển khai. Trạm đã tăng cường cán bộ xuống các xã, thôn bản nắm bắt tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách nhận biết dịch bệnh ở đàn vật nuôi; cách chăm sóc nuôi dưỡng và các biện pháp phòng dịch bệnh; giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi…

Để triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Trạm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra các điểm kinh doanh, giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm; thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức phun tiêu độc khử trùng môi trường và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt I năm 2016 tại  21 xã, thị trấn với tổng số 66.167 liều vắc xin các loại, đạt 49% kế hoạch trong năm 2016, tập trung phòng chống các bệnh như: Tai xanh ở lợn, Lở mồm long móng ở gia súc, Dịch tả lợn...

Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Hà còn tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các điểm kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ; kiểm soát, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật vận chuyển vào địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Gia đình ông Bàn Văn Thanh ở thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly là hộ nông dân điển hình làm giàu nhờ phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt. Hiện trong chuồng trại của gia đình ông lúc nào cũng có 50 - 60 con lợn. Để đảm bảo đàn lợn của gia đình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, trong những năm qua gia đình ông luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường cho vật nuôi. Ngoài việc bố trí khu chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, thoáng mát, với đầy đủ hệ thống máng ăn, nước uống được bố trí hợp lý, gia đình ông cũng thường xuyên phun thuốc, rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Nhờ đó, đàn gia súc của gia đình ông luôn phát triển tốt, khỏe mạnh, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Thanh cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia đình ông luôn thực hiện nghiêm việc tiêm phòng cho đàn gia súc theo định kỳ; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, đặc biệt là trong thời điểm thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.

Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn trong năm 2016, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Hà tiếp tục cử cán bộ bám sát các địa bàn để kiểm tra, giám sát những vùng có khả năng cao xuất hiện dịch bệnh, đặc biệt các xã có tập trung chăn nuôi nhiều như Bảo Nhai, Cốc Lầu, Cốc Ly. Phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về cách chăm sóc đàn vật nuôi khi thời tiết chuyển mùa, tham mưu UBND huyện về kế hoạch kế hoạch tiêm phòng kỳ 2 cũng như cách phòng trừ các bệnh gây hại cho đàn vật nuôi vào mùa đông sắp tới.

Hiện nay đang là thời điểm thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, mầm bệnh phát sinh gây ra dịch bệnh ảnh hưởng tới việc chăn nuôi. Bên cạnh đó, đa phần ở các xã vùng cao người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, tình trạng thả rông gia súc vẫn còn, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh dịch. Trạm khuyến cáo người dân không chủ quan, phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi, không thả rông gia súc, gia cầm. Khi phát hiện vật nuôi có các dấu hiệu như: ít vận động, nằm một chỗ, ăn ít hoặc bỏ ăn… phải báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời tránh tình trạng lây lan, bùng phát dịch bệnh nhằm góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của toàn huyện Bắc Hà phát triển nhanh và ổn định./.

Phạm Văn Hưng

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Hà, Lào Cai