Đồng chí Hoàng Việt Thường – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Bước vào đầu tháng 10 âm lịch thường xuất hiện không khí lạnh ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi, nền nhiệt thay đổi chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh làm gia tăng nguy cơ gây bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thời điểm này, ngành chuyên môn và các địa phương trong tỉnh đang chú trọng triển khai các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh và đói, rét trên đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình tiêm phòng vắc xin, phối hợp với các địa phương rà soát, lập danh sách số hộ chăn nuôi trâu, bò có chuồng kiên cố, số không có hoặc chuồng tạm bợ, tình hình dự trữ thức ăn cho gia súc”.

Tỉnh Bắc Kạn có đàn đại gia súc với hơn 78.100 con, đàn lợn 163.200 con, đàn dê 30.700 con, đàn gia cầm trên 1,4 triệu con. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các ổ dịch lớn trên đàn gia súc, gia cầm, có một số ổ dịch nhỏ xuất hiện nhưng đã được khống chế kịp thời. Đến thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai 2 đợt tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tiêm phòng tại những vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và những vùng nguy cơ cao đối với các dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc.

Trong những ngày này, thời tiết đã chuyển lập đông, nền nhiệt độ bắt đầu có sự thay đổi lớn, các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh làm gia tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, tai xanh trên đàn lợn, cúm gia cầm, Niu - cát - xơn trên đàn gia cầm và một số bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi trong mùa đông như thương hàn, hen suyễn… Tại các địa phương trong tỉnh, công tác giám sát dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đang được tăng cường, các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn người chăn nuôi sửa chữa, che chắn chuồng trại, thu gom rơm, rạ dự trữ thức ăn cho gia súc trong vụ đông.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tập trung chỉ đạo cán bộ thú y viên chú trọng công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi, hướng dẫn bà con ủ chua thức ăn cho gia súc, bổ sung muối ăn phù hợp với thể trọng trâu, bò. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi theo quy định như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, chủ động tẩy giun nâng cao đề kháng cho vật nuôi. Áp dụng các biện pháp phòng chống các bệnh liên quan đến mùa rét như cước chân, ký sinh trùng… Đồng thời chỉ đạo cấp cơ sở, địa phương phải theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh, thời tiết.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, các hộ chăn nuôi cần đảm bảo chuồng trại chắc chắn, chuẩn bị sẵn phông bạt che chắn gió. Yêu cầu bà con dự trữ chất đốt như củi, cỏ, cành cây khô để sưởi ấm đàn gia súc những ngày rét đậm, rét hại và dự trữ đầy thức ăn cho gia súc. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chuồng nuôi gia súc luôn khô ráo, không đọng nước. Nếu thời tiết rét đậm, rét hại, kèm theo mưa và nhiệt độ dưới 12ºC thì tuyệt đối không thả rông gia súc, cần thực hiện chăm sóc trâu, bò tại chuồng; bổ sung thêm thức ăn tinh, như: cám ngô, sắn, cám gạo... cho gia súc ăn và dùng bao tải đay, chăn cũ quấn quanh cơ thể gia súc để chống rét; sử dụng củi, trấu... để đốt sưởi cho gia súc, nhất là bê, nghé và trâu, bò già yếu; tuyệt đối không thả rông gia súc, gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại kèm mưa phùn.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với chăn nuôi, người dân nên thận trọng, không nên chủ quan trong việc phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đề cao cảnh giác với các yếu tố dễ phát sinh dịch bệnh. Chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh./.

Theo Báo Bắc Kạn