Từ tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện nhiều địa điểm có vườn dừa bị sâu đầu đen hại dừa gây hại như huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre. Tại khu vực khởi phát của các địa điểm trên, các vườn dừa đều bị gây hại rất nặng, ước thiệt hại sinh trưởng trên 70% số lá và trên 80% năng suất cây dừa.

Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 393 ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen; trong đó, diện tích nhiễm nặng gần 132 ha. Diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen nằm rải rác ở các huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và thành phố Bến Tre.

Trước thực trang trên, cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ người dân phòng và trị sâu đầu đen trên cây dừa.

Đến nay, các huyện  Mỏ Cày  Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Bình Đại và Thành  phố Bến Tre đã hoàn thành phun thuốc bảo vệ thực vật lần thứ 1. Diện tích dừa bị đốn tiêu hủy là 4.695 cây, phun thuốc bảo vệ thực vật 44.879 cây.

Ngoài ra, Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã lựa chọn vườn dừa chưa thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật để tiến hành phóng thích 150 cặp ong ký sinh nhộng đùi to Brachymeria sp tại ấp Phú Mỹ, xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc để kiểm soát sâu đầu đen gây hại với diện tích khoảng 2 ha.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn và cung cấp vật liệu nhân nuôi bọ đuôi kìm cho cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường nhân nuôi và phóng thích bọ đuôi kìm nhằm hỗ trợ kiểm soát sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, dự kiến có 4 đợt phóng thích bọ đuôi kìm với 28.000 con trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, sau khi các huyện đồng loạt thực hiện việc phòng trừ sâu đầu đen, kết quả đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 60-95%. Hiện, hơn 100 ha dừa bị sâu đầu đen gây hại ở Bến Tre đã được kiểm soát. Cây dừa có dấu hiệu phục hồi, được người dân tiếp tục chăm sóc. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân công nên việc cắt tỉa tàu lá bị gây hại nặng tiêu hủy trước khi phun không được thực hiện triệt để, tỷ lệ vườn có cắt tỉa là rất thấp hoặc các vườn dừa quá cao việc phun thuốc gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, hiệu quả phun thuốc một số địa phương chưa cao và cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị phun thuốc lần 2.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, bên cạnh các giải pháp sinh học, về lâu dài, cần tính toán đến những giải pháp nhanh, hiệu quả, an toàn và phản ứng kịp thời hơn; trong đó có giải pháp sử dụng những phương tiện công nghệ cao trong việc dập dịch sâu đầu đen hại dừa như xây dựng bản đồ số để kiểm soát vùng dịch, sử dụng công cụ bay siêu nhẹ (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen. Tại các vườn dừa đã thả ong ký sinh và bọ đuôi kìm, ngành chuyên môn khuyến cáo không phun thuốc bảo vệ thực vật. Riêng đối với các cây ký chủ phụ như dừa nước, cau kiểng... khuyến cáo cắt tỉa, tiêu hủy triệt để các tàu lá bị gây hại mà không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

TTXVN