Ông Nguyễn Văn Thòn (ngụ tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) đang trồng khoai mì trên diện tích 34 ha. Cuối tháng 6-2018, ông Thòn phát hiện 13ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá, buộc ông phải tiêu hủy để bệnh không lây lan, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ông Đào Minh Toàn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Xuyên Mộc cho biết: “Cuối tháng 6 vừa qua, trong khi đi kiểm tra diện tích trồng mì tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, chúng tôi đã phát hiện 34 ha mì mắc bệnh khảm lá. Ngay lập tức, chúng tôi thông báo cho chính quyền địa phương và người dân để xử lý theo quy định”.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, bệnh khảm lá khoai mì là bệnh mới, lá khoai mì xoăn, trên lá có các đốm khảm, làm cây yếu, năng suất chất lượng kém, với cây nhiễm bệnh từ nhỏ, thậm chí còn không thể có củ. Bệnh được phát hiện tại tỉnh Tây Ninh năm 2017. Đến nay, diện tích nhiễm bệnh tại Tây Ninh đã lên đến 14.856ha (nhiễm nặng 1.810ha). Tiếp đó, bệnh đã lây lan sang tỉnh Bình Dương với diện tích nhiễm 195ha (nhiễm nặng 10ha). Tại BR-VT, qua công tác tổ chức thăm đồng, kiểm tra, đến nay đã phát hiện 34 ha cây khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá tại vùng trồng mì thuộc huyện Xuyên Mộc trên giống mì HL-S11. Trong đó, 12,73 ha bị nhiễm bệnh nặng, 21,27 ha bị nhiễm nhẹ. Nguyên nhân là do người dân mua giống mì tại tỉnh Tây Ninh mang về trồng.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không trồng giống mì HLS-11 do chưa nằm trong danh mục cho phép và dễ nhiễm bệnh khảm lá.

Theo ngành nông nghiệp, khảm lá mì là bệnh nguy hiểm, đến nay chưa có thuốc đặc trị. Bệnh lây lan qua 2 con đường: Hom giống và môi giới truyền bệnh (bọ phấn trắng chích hút cây bệnh truyền bệnh sang cây khác). Nếu không phòng trừ, tiêu hủy nguồn bệnh, bệnh khảm lá mì lây lan rất nhanh, nguy cơ gây hại nghiêm trọng các vùng trồng mì tại tỉnh BR-VT. Vì vậy, trước khi làm vụ mì mới, nông dân cần khử trùng đất bằng nhiều cách (như vãi vôi), chọn giống “khỏe”, có khả năng kháng bệnh cao, phun thuốc phòng trừ từ đầu… Khi phát hiện bệnh, cần triển khai tiêu hủy ngay số cây bị nhiễm bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện nay, diện tích trồng khoai mì trên toàn tỉnh hơn 8.300ha, tập trung ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức… Trong số 34,4ha diện tích khoai mì mắc bệnh khảm lá, có 34ha tại Xuyên Mộc và 0,4 ha tại Châu Đức, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nông dân. Bệnh này chủ yếu mắc phải trên giống mì HLS-11. Đây là giống mới, có hàm lượng tinh bột và giá bán cao nên vài năm trở lại đây đã được bà con ồ ạt trồng. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng chưa nằm trong danh mục giống cây trồng được lưu thông. “Từ cuối năm 2017, chúng tôi đã có những lớp tập huấn cho nông dân cách nhận biết cây mắc bệnh và cách xử lý. Ngoài việc xử lý triệt để các diện tích bị bệnh, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân không trồng giống HLS-11. Bên cạnh đó, khi mua giống mới, nhất là tại các địa phương đã xảy ra bệnh, nông dân cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, tốt nhất là mua giống thông qua các địa chỉ uy tín như Trung tâm khuyến nông. Hiện nay, ngành nông nghiệp cũng đang nghiên cứu, khảo sát một số giống mì mới năng suất cao, sạch bệnh để nhân rộng, giúp nông dân yên tâm trong sản xuất”, bà Hiến cho hay.

Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố (có diện tích trồng mì) phối hợp với các đơn vị chuyên môn quản lý chặt chẽ tình hình buôn bán, sử dụng giống mì, không vận chuyển thân lá mì ra khỏi nơi nhiễm bệnh; Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân lá mì trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn để nông dân trồng cũng như người buôn bán giống mì ở địa phương nắm rõ tác hại của bệnh khảm lá mì và các biện pháp phòng chống; Tuyên truyền cho nông dân biết và không trồng giống HL-S11 (đây là giống nhiễm bệnh khảm lá và là giống chưa được công nhận), khuyến cáo sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...

Theo báo BRVT