Theo tài liệu của các cơ quan nghiên cứu, bệnh khảm lá sắn là một trong những dịch hại nguy hiểm đối với cây sắn trên thế giới. Tại khu vực châu Á, bệnh khảm lá sắn được ghi nhận đầu tiên tại Ấn Độ vào năm 1985 và tiếp theo là tại SriLanka năm 2002. Trong suốt một khoảng thời gian dài, bệnh chỉ gây hại tại 2 quốc gia này. Tuy nhiên, vào tháng 5/2015, bệnh đã được phát hiện tại tỉnh Ratanakiri và KaunMoum của Campuchia, giáp với tỉnh Tây Ninh của Việt Nam (cách biên giới Việt Nam khoảng 40 km).

Toàn cảnh hội nghị

Tại Việt Nam, tháng 5/2017, bệnh khảm lá sắn đã được phát hiện gây hại trên địa bàn xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, sau đó lây lan nhanh sang các huyện khác trong tỉnh, chủ yếu gây hại trên giống sắn HLS11. Mặc dù đã được ngành chuyên môn và các địa phương vào cuộc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhưng đến tháng 8/2018, đã ghi nhận bệnh xuất hiện, gây hại tại các vùng trồng sắn của  10 tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tp. Hồ Chí Minh và Long An; với mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất tại tỉnh Tây Ninh (khoảng trên 90 % diện tích sắn bị nhiễm bệnh).

Tính đến ngày 20/8/2018, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn ở 10 tỉnh nêu trên là 36.136,3 ha, tăng 30.283,6 ha so với năm 2017; trong đó diện tích có tỷ lệ gây hại dưới 30% là 16.242,7 ha, 30-70% là 11.800,9 ha, >70% là 8.092,7 ha. Một số diện tích bị bệnh quá nặng, không có khả năng cho năng suất đã được tiến hành tiêu hủy 242,1 ha.

Theo Viện Bảo vệ thực vật, đây là một bệnh hại mới trên sắn lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, nếu không có biện pháp quản lý bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất và chế biến sắn của Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Virus đang tồn tại trong cây sắn bị nhiễm bệnh và trong bọ phấn trắng là nguồn lây lan sang các vùng trồng sắn tập trung khác thuộc Tây Nguyên, Nam Trung bộ và trong cả nước; ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng sắn, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu sắn của Việt Nam, thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ USD/năm.

Về giải pháp trước mắt, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo:

- Các địa phương đã phát hiện diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn khẩn trương khoanh vùng, phun thuốc trừ bọ phấn trắng và tiêu hủy nguồn bệnh triệt để. Đối với những vùng bị bệnh nặng, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc không trồng sắn ít nhất trong 01 vụ.

- Các địa phương trồng sắn còn lại, thường xuyên kiểm tra rà soát để phát hiện sớm và xử lý triệt để ngay những diện tích sắn mới nhiễm bệnh (nếu có).

- Các tỉnh, thành chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp mua bán, đưa giống từ các vùng đang có dịch sang nơi khác.

- Thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống sắn kháng bệnh, giống ít bị bệnh để trồng (hiện nay có giống KM 94); không trồng các loại giống đã bị nhiễm bệnh nặng như: HLS-11, HLS-12, KM 419, KM 140.

- Tạm thời sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa 02 hoạt chất Dinotefuran và Pymetrozine để phòng trừ bọ phấn trắng trên cây sắn trong thời gian có dịch.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, bệnh khảm lá  sắn là một loại bệnh nguy hiểm, hiện nay đang diễn ra với mức độ rất nặng tại các địa phương vùng Đông Nam bộ, và đang có nguy cơ lây lan ra các vùng trồng sắn khác trong cả nước, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất. Các địa phương cần tăng cường nhận thức về cây sắn và bệnh khảm lá sắn cho mọi thành phần liên quan trong xã hội.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao nhiệm vụ:

Đối với các địa phương:

- Không nên chủ quan về bệnh khảm lá sắn và cần nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn, đồng thời tăng cường thông tin về bệnh khảm lá sắn trên các phương tiện truyền thông đại chúng;

- Các địa phương, trước hết là Tây Ninh cần nhanh chóng xây dựng vùng trồng sắn sạch bệnh để vừa làm mô hình nhân rộng trong sản xuất vừa là nguồn giống sạch bệnh phục vụ trồng mới tại địa phương.

Đối với Cục BVTV:

- Tham mưu cho Bộ Nông nghiệp& PTNT thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chỉ đạo cấp Bộ;

- Nghiên cứu giới thiệu cho sản xuất các loại thuốc BVTV đặc hiệu để trừ bệnh;

- Rà soát lại quy trình phòng chống bệnh khảm lá sắn và phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để in và cấp phát kịp thời cho sản xuất.

Đối với Cục Trồng trọt:

- Đánh giá lại các giống sắn (đối với bệnh khảm lá sắn);

- Tham mưu đề xuất 01 đề tài nghiên cứu khoa học về bệnh khảm lá sắn;

- Nghiên cứu, đề xuất Bộ Nông nghiệp& PTNT chuyển cây sắn từ là cây lương thực qua cây công nghiệp.

Đối với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:

- Bổ sung nhiệm vụ khuyến nông về bệnh khảm lá sắn;

- Phối hợp với khuyến nông các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về bệnh khảm lá sắn;

- Phối hợp với Cục BVTV để in ấn, cấp phát kịp thời tờ gấp hướng dẫn phòng trừ bệnh khảm lá sắn;

- Tổ chức 2-3 hội thảo, diễn đàn về bệnh khảm lá sắn ngay trong tháng 9, tháng 10/2018.

Ngô Văn Đây

TT Khuyến nông Quốc gia