Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, vụ ĐX 2017 – 2018, toàn tỉnh gieo sạ được 48.221,4 ha lúa. Trong đó, chân 3 vụ gieo sạ 12.167,2 ha, hiện lúa đã vào giai đoạn chắc xanh, chín, đang thu hoạch; chân 2 vụ 34.079 ha, lúa đang làm đòng trỗ, ngậm sữa; chân cao sạ cưỡng 1.975,2 ha đang thu hoạch. Tổng diện tích đã thu hoạch đến nay là 2.699 ha, chiếm 6% so với diện tích đã gieo sạ.

Trong thời gian sau tết, thời tiết diễn biến bất lợi gây phát sinh rầy nâu và rầy lưng trắng. Theo kiểm tra của ngành chức năng, rầy đang gây hại cục bộ trên trà lúa đòng trỗ, chắc xanh.

Nông dân Bình Định phun thuốc trừ rầy

Đến thời điểm hiện tại, diện tích nhiễm rầy khoảng 142,5 ha, tập trung tại TX An Nhơn và các huyện: Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân. Mật độ rầy phổ biến từ 750 con đến 2.000/m2. Trong đó, có 22,5 ha bị nhiễm nặng với mật độ trên 3.000 con/m2. Các giống lúa IR 13/2, U Ải 32, TBR 225… có tỉ lệ rầy gây hại với mật độ khá cao.

“Hiện toàn bộ diện tích nhiễm rầy đã được phòng trừ. Những diện tích nhiễm nặng với mật độ trên 3.000 con/m2 đã được phòng trừ ổn định”, ông Phát cho hay.

Trong những ngày qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định liên tục cử cán bộ xuống các địa phương để phối hợp triển khai công tác phòng trừ rầy. Theo đó, Chi cục chỉ đạo các Trạm phân công cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn từng xã, HTXNN; tăng cường công tác kiểm tra, nắm chắc diễn biến, diện tích bị nhiễm rầy cần phòng trừ trên địa bàn. Kết hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông… kiểm tra tình hình rầy, sau đó tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông báo, hướng dẫn, vận động bà con nông dân phun thuốc phòng trừ kịp thời, tập trung, đạt hiệu quả.

Các đài truyền thanh từ huyện đến xã liên tục phát thông tin về tình hình rầy hại lúa, vận động bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ.

Sáng 26/3, trong lúc tôi đang làm việc với ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) tại trụ sở ủy ban thì cuộc trò chuyện bị gián đoạn vì cán bộ nông nghiệp xã liên tục vào báo cáo cập nhật tình hình rầy diễn ra trên địa bàn.

Ông Quế cho biết, trước tình hình rầy hại lúa diễn biến phức tạp, UBND xã đã khẩn trương cấp kinh phí hỗ trợ xăng xe cho cán bộ nông nghiệp xuống từng thôn vận động bà con phòng chống.

“Hiện trên địa bàn xã có khoảng 6ha lúa bị nhiễm rầy, trong đó có 1ha nhiễm nặng với mật độ từ 4.000 - 6.000 con/m2. UBND xã giao cho bộ phận nông nghiệp và khuyến nông xây dựng kế hoạch phòng chống rầy cụ thể. Trước mắt, vận động nông dân có ruộng bị rầy gây hại phun thuốc theo hướng dẫn của ngành BVTV”, ông Quế nói.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, khi phát hiện rầy có mật độ trên 3 con/dảnh thì mới vận động bà con tiến hành phòng trừ. Nông dân cần sử dụng 1 trong các loại thuốc sau: Chess 50 WG, liều lượng 2-3 gói (7,5 gram/gói) pha với 16 - 24 lít nước phun cho 1 sào (500m2), hoặc thuốc Map Arrow 420 WP, liều lượng 65 - 100 gram pha với 16 - 24 lít nước phun cho 1 sào, phun vào chiều mát.

“Trước khi phun thuốc trừ rầy, nông dân cần xả nước ngập gốc lúa từ 10 - 15 cm, phunkhi chiều mát hoặc sáng sớm. Những diện tích có mật độ rầy trên 3.000 con/m2 thì dùng thuốc Chess 50 WG, liều lượng 3 gói (7,5 gram/gói) pha 24 lít nước phun 1 sào, hoặc thuốc Map Arrow 420 WP, liều lượng 100 gram pha 24 lít nước phun 1 sào vào buổi chiều mát”, ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định khuyến cáo.

Theo báo NNVN