Hạn hán đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân

Nhiều tháng qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho nước trên các sông, suối và lượng nước từ các hồ chứa bị bốc hơi nhiều. Tính đến giữa tháng 6, tổng lượng nước của 161 hồ chứa trong tỉnh chỉ còn 285,6 triệu/577 triệu m3, đạt 49% so với dung tích thiết kế. Đáng lo ngại là đã có nhiều hồ chứa nước do các địa phương quản lý đã khô cạn. Tại huyện Phù Mỹ có 18/44 hồ bị cạn nước; Phù Cát 11/22 hồ; Tây Sơn 5/25 hồ…; nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hạn hán ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều diện tích sản xuất ở những vùng chân cao, vùng hưởng nước từ các hồ chứa nước nhỏ và các con suối bị thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Nắng nóng kéo dài gây thiếu nước tưới cho cây trồng và nước sinh hoạt cho người và gia súc. Đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất được trên 42.539 ha lúa hè thu, đạt 103% kế hoạch; 9.889 ha cây trồng cạn, bằng 83,3% so với cùng kỳ năm trước; do thiếu nước tưới, đã có 8.500 ha cây trồng bị hạn (4.335 ha cây trồng bị ảnh hưởng đến năng suất). Trong đó, huyện Phù Mỹ bị hạn nặng nhất với trên 2.100 ha, tiếp đến là huyện Hoài Ân trên 1.000 ha; Phù Cát trên 700 ha… Bên cạnh đó, có trên 12.251 hộ dân ở các huyện Phù Cát, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn... bị thiếu nước sinh hoạt, cụ thể: Mỹ Cát, Mỹ Chánh (Phù Mỹ) có trên 950 hộ dân đang bị thiếu nước; Cát Minh, Cát Hanh (Phù Cát) trên 1.100 hộ;  Hoài Hải, Hoài Đức, Hoài Mỹ, Hoài Hương (Hoài Nhơn) 3.800 hộ... 

Tiếp tục chuyển đổi đất sản xuất lúa thiếu nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn

Nếu như năm 2013, diện tích chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa tại Bình Định là 3.630,2 ha thì năm 2014 diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng là 5.433ha, trong đó, diện tích chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả 2.971 ha, tập trung ở Phù Cát (1.035 ha đất trồng sắn chuyển sang trồng lạc, dưa, ớt...), Tây Sơn (1.035 ha chuyển sang trồng dưa hấu, lạc, ngô lai...); diện tích chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa là 2.462 ha, cụ thể, vụ đông xuân 815 ha (tập trung ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ), vụ hè thu và vụ mùa 1.647ha. Riêng vụ đông xuân 2014-2015, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng toàn tỉnh là 2.156 ha, trong đó diện tích chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả 1.505 ha, diện tích chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước là 651,5 ha.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định cho biết, Từ năm 2013 đến vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 11.219 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, như ngô, lạc, ớt... Nhiều phương thức thâm canh, luân canh mới cũng đã được nông dân trong tỉnh áp dụng có hiệu quả. Trong vụ hè thu này, kế hoạch sản xuất 41.300 ha lúa, 3.500 ha ngô, 1.750 ha lạc, 2.000 ha vừng, trong đó diện tích đất lúa chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn là 2.005 ha, bao gồm: 750 ha ngô; 525 ha lạc; 250 ha vừng và 500 ha rau đậu các loại. Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu/năm, hoặc 1 vụ lúa 2 vụ màu/năm; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các phương thức xen canh, luân canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến.

Điểm trình diễn mô hình trồng ngô lai trên đất lúa thiếu nước tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Hỗ trợ, đầu tư công trình cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất

Để ứng phó hiệu quả với hạn hán, tỉnh vừa quyết định đầu tư 39,277 tỉ đồng kiên cố hóa gần 196,8 km kênh mương nội đồng, phục vụ tưới cho diện tích trên 10.522 ha; hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn trên chân đất sản xuất lúa thiếu nước trong vụ hè thu và vụ mùa năm 2015, theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây trồng cạn theo mức quy định để hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo; các hộ còn lại được hỗ trợ 50%. Định mức và các loại cây trồng cạn được hỗ trợ gồm: giống ngô lai 20kg/ha; giống lạc 200 kg/ha; giống đậu tương 60 kg/ha; giống đậu xanh, đậu đen 20 kg/ha; giống vừng 6 kg/ha; giống rau các loại bình quân 2 triệu đồng/ha.

Đối với hoạt động cấp nước, ưu tiên theo thứ tự: Cấp nước sinh hoạt cho người dân; cho vật nuôi; nuôi trồng thủy sản; vùng sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu lớn (ưu tiên cấp nước tưới cho diện lúa trổ và khu vực sản xuất trong kế hoạch để bảo đảm thu hoạch); vùng ven đê Đông để chống xâm nhập mặn, xì phèn. Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch Vệ sinh môi trường nông thôn phát huy hết công suất các công trình cấp nước tập trung để phục vụ nhân dân trong vùng hưởng lợi và hỗ trợ cho các vùng lân cận; đẩy nhanh tiến độ mở mạng cấp nước tại công trình cấp nước Cát Nhơn để cấp nước cho dân. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tận dụng dòng chảy cơ bản các sông suối, điều tiết hợp lý để chống hạn và hỗ trợ cho các nhu cầu khác. Về kinh phí chống hạn, tỉnh quy định mức hỗ trợ để ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ hè thu, vụ mùa năm 2015. Theo đó, hỗ trợ bằng tiền đối với vùng không khoan được giếng, không có đường ống dẫn nước từ công trình cấp nước tập trung với mức hỗ trợ 40 lít nước sạch/người/ngày và 30 lít nước uống/con/ngày đối với gia súc; mức hỗ trợ 70.000 đồng/m3 nước bao gồm: chi phí nước uống, sinh hoạt tại nguồn cung cấp, chi phí vận chuyển và công lao động tiếp nhận, phân phối tại chỗ. Với vùng có thể khoan giếng, hỗ trợ 150 ngàn đồng/m giếng khoan theo chiều sâu thực tế có đường kính 60mm, đủ cung cấp nước tối thiểu cho 5 hộ gia đình, khoảng cách các giếng tối thiểu 200m; đối với giếng đào sâu thêm, lắp đặt thêm bộng giếng, bơm hút bùn, cát trong giếng mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/giếng...

Phát biểu chỉ đạo về tình hình sản xuất vụ hè thu và công tác chống hạn tại các địa phương trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện chỉ đạo ngành Nông nghiệp và UBDN các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp để chống hạn; trong đó, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và nước cho đàn gia súc. Những vùng có thể đào, khoan được giếng thì hỗ trợ kinh phí, vận động nhân dân đào, đóng them giếng để lấy nước ngầm phục vụ nước sinh hoạt và cho đàn gia súc. Những vùng không thể đào được giếng và đang bị thiếu nước sinh hoạt, phải mở rộng hệ thống đường ống dẫn nước của các công trình cấp nước tập trung đã xây dựng đến các thôn, làng để cung cấp nước sinh hoạt cho dân hoặc vận chuyển nước đến cung cấp cho dân. Bên cạnh đó, kiểm tra , xác định nguồn nước tại các hồ chứa, thong báo cho người dân biết để bà con chia sẻ và chủ động các biện pháp chống hạn. Những diện tích cây trồng có thể cứu được thì tận dụng nguồn nước hiện có tại các công trình thủy lợi và sử dụng nguồn nước ngầm để cứu. Các sở, ngành có liên quan của tỉnh cũng cần nghiên cứu phương án xây dựng các đập dâng trên sông Hà Thanh và sông La Tinh để giữ nước và điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nước cho chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và nước cho sản xuất công nghiệp; đầu tư tu sửa các công trình thủy lợi đã xuống cấp; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước và đảm bảo môi trường sinh thái./.

Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định