Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Cam Lâm chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang trồng khoai sáp rất nhiều vì lợi nhuận cao. Theo thống kê, toàn huyện hiện có khoảng 150 ha trồng khoai sáp. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, không ít người trồng thua lỗ vì hiện tượng khoai bị thối củ, chết cây xảy ra trên diện rộng.

Về các thôn Lập Định 1, 2, 3 (xã Cam Hòa) những ngày này, không khó bắt gặp những thửa ruộng bỏ không, nơi mà trước đây là những ruộng khoai xanh ngát; một số thửa, người dân đã trồng được 2, 3 tháng nhưng cũng bỏ không chăm sóc nữa.

Ông Bùi Sương - người trồng khoai ở xã Cam Hòa cho biết, nhiều người dân bỏ trồng khoai sáp, quay về trồng lại lúa, một số lại chuyển qua trồng rau, hoa màu. Theo ông Sương, độ khoảng nửa năm trở lại đây, hầu như các hộ trồng khoai ở xã đều gặp tình trạng này. Khoai trồng đến khoảng 3, 4 tháng là bắt đầu có hiện tượng héo cây, khi đào lên kiểm tra, củ khoai đã thối hết. “Ở xã vừa thành lập hợp tác xã khoai sáp để liên kết những người trồng khoai trong vùng, chưa hoạt động được bao lâu thì bây giờ mọi người đã bỏ cây khoai vì lý do trên. Bản thân tôi cũng đang tạm dừng trồng loại cây này”, ông Sương nói.

Vừa phải bỏ mất 1 sào khoai, ông Lê Quốc Lạt, thôn Lập Định 1 không khỏi lo lắng khi ông vẫn còn đó 2 sào khoai đang đà phát triển. Ông Lạt cho hay: “Tôi trồng khoai sáp 3 năm rồi, đây là lần đầu tiên gặp trường hợp này. Cứ một ruộng khoai hỏng, người dân mất khoảng 8 triệu đồng tiền chi phí, còn nếu tính lợi nhuận thì mất khoảng hơn 20 triệu đồng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vì hiện tượng trên, giá khoai sáp đã tăng so với bình thường với mức giá 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, rất ít người dân có khoai để bán. Ông Phan Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Cam Hòa xác nhận có thực trạng trên. Ông Minh cho biết, tỷ lệ người dân trồng khoai bỏ ruộng đến nay khoảng 10 - 15%. Trước mắt, lãnh đạo địa phương đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng chờ hướng khắc phục.

Được biết, vừa qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã phối hợp cùng một công ty chuyên về kỹ thuật nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu khoai, đất để xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Kết quả, khoai bị thối củ, chết cây không phải do dịch bệnh, mà vì người dân sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật vượt liều lượng, làm đất bị nhiễm độc. Bên cạnh đó, người dân trồng liên tục, không có thời gian cải tạo, tái tạo dinh dưỡng cho đất nên dẫn đến tình trạng trên. Theo thông tin từ chính quyền xã, nhiều vùng đất trồng khoai bị nhiễm phèn nhưng người dân không xử lý, dẫn đến đất ngày càng mất dinh dưỡng.

 

 

Ông Thái Quốc Đạt - cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho biết, hiện nay, đơn vị đang phối hợp hỗ trợ thí điểm cho 1 hộ trồng khoai sáp tại thôn Lập Định 1 về kỹ thuật trồng, thuốc vi sinh cải tạo đất. “Chúng tôi sẽ theo dõi quá trình khoai phát triển từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, từ đó có tính toán hợp lý về thời gian cải tạo đất, lượng phân bón, thuốc hợp lý nhằm giảm gây hại cho đất, giảm thiểu chi phí và đạt năng suất cao. Nếu kết quả đạt như mong muốn, sẽ tiến hành tập huấn, nhân rộng ra cho người dân trồng khoai sáp”, ông Đạt nói.

Theo baokhanhhoa.vn