Ông Dương Minh Long, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật - Quản lý và Bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ kiểm tra cây bị sâu bệnh tại diện tích trồng rừng của hộ dân trong lâm phần

Tình trạng cây keo lai bị sâu, bệnh tấn công chết bắt đầu từ năm 2014 và đặc biệt nghiêm trọng là vào khoảng cuối năm 2005. Ðến nay, mặc dù tình trạng cây keo lai bị bệnh chết đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn phát sinh, đặc biệt là bệnh rất dễ lây lan nhanh trong giai đoạn này bởi thời tiết nóng ẩm giao mùa, mầm bệnh có thể phát tán do sâu bọ, côn trùng...

Phải chặt bỏ cây để ngăn mầm bệnh

Ông Phạm Quốc Thắng, Ấp 13, xã Nguyễn Phích, trồng keo từ năm 2013 với 3 ha tại Tiểu khu 038, Liên Tiểu khu U Minh I, khi cây được gần 2 năm tuổi thì xuất hiện tình trạng bị chuột cắn phá, sau đó là sâu bệnh dẫn đến cây keo chết hàng loạt. Ông Thắng nói: “Từ tháng 6/2015 cây bắt đầu chết, chủ yếu là do chuột cắn và bệnh... Thời gian sau, cây keo tiết ra nhựa rồi héo và chết dần. Hiện diện tích trồng keo lai của gia đình đã chết trên 80%, số còn lại tôi đang định chặt hạ để bán lấy tiền lên liếp trồng lại tràm, không dám trồng keo lai nữa”.

Trồng keo lai trong khu vực trên với 6 thửa, tổng diện tích trồng khoảng 40 ha, keo của ông Nguyễn Văn Thảo cũng bị tình trạng trên, ông cho biết: “Khi cây được gần 2 năm tuổi thì bắt đầu xuất hiện cây chết, trong đó có 13 liếp bị thiệt hại từ 60-70%, các thửa còn lại thì cây chết rải rác. Tình trạng ban đầu là cây bị các loài gặm nhấm cắn phá, bị nấm bệnh và tiết ra nhựa, sau đó chết khô”. Ông Nguyễn Văn Thảo cho biết thêm, khi xuất hiện tình trạng cây chết thì có trình báo và sau đó nhân viên khuyến nông của huyện xuống dùng thuốc diệt chuột, diệt nấm, khoanh vùng để phun thuốc nhưng không hiệu quả.

Hầu hết giống cây được các hộ sử dụng trồng là giống cây trồng rừng, keo lai dòng B11 được mua từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, một số ít là mua trồng giậm không rõ nguồn gốc. Ông Dương Minh Long, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật - Quản lý và Bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: “Theo tìm hiểu qua chủ hộ, người trực tiếp quản lý và hộ lân cận thì cây chết là chuột cắn phá vào thời điểm tháng 6/2015, thời điểm đầu mùa mưa. Xét về cây chết do nấm là sau khi cây bị chuột cắn gây tổn thương phần vỏ, cây rỉ nhựa, đồng thời sinh nấm hồng. Ngoài ra còn có sâu đục thân gây hại thân cây phần gốc, đoạn từ 0,5 m đến 3 m so với mặt liếp”.

Không chỉ các hộ dân mà các lâm phần trồng rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý cũng xuất hiện tình trạng sâu bệnh, cây chết rải rác. Ông Dương Minh Long cho biết: “Khi phát hiện cây chết hoặc có dấu hiệu sâu, bệnh thì tiến hành chặt hạ không để dịch bệnh lây lan ra các cây khác. Hiện chúng tôi cũng đang kiểm tra sát, theo dõi diện tích rừng có cây bệnh để xử lý kịp thời”.

Người dân cần đề phòng sâu bệnh phát sinh

Ðược biết, tại thời điểm này tình hình cây keo lai bị sâu, bệnh chết đã giảm, số cây bị bệnh chết phát sinh mới có nhưng không nhiều. Tuy nhiên, người dân cần đặc biệt đề phòng bởi đây là thời điểm dịch bệnh trên cây keo lai rất dễ bùng phát (cùng thời điểm với năm 2015). Ông Dương Minh Long cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh, chúng tôi khuyến cáo bà con nên làm vệ sinh các liếp trồng thật sạch, không để các loài gặm nhấm như chuột, sóc... cắn phá, bởi khi cây bị chuột cắn phá thì sẽ mất sức đề kháng, cây có thể chết, khi cây chết thì có thể lây bệnh cho cây khác. Khi trồng, người dân không nên trồng dày dẫn đến thiếu ánh sáng, cây dễ bị nhiễm bệnh. Nên trồng ở mật độ 2.400 cây/ha hoặc tối đa là 3.000 cây/ha. Ðặc biệt, khi cây đã bị bệnh chết thì phải chặt bỏ, tránh lây lan dịch bệnh”.

Trên các lâm phần khu vực rừng U Minh Hạ xuất hiện sâu, bệnh hại cây keo lai, chủ yếu là nấm hồng (Corticium salmonicolor) gây chết cây cá thể và có nguy cơ tạo thành chòm, đám trong các cây keo lai từ 1-3 tuổi. Ngày 8/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo số 3698/UBND-NNTN về việc kiểm tra, xử lý tình trạng cây keo lai bị sâu, bệnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, xác định rõ các biện pháp phòng tránh và biện pháp khắc phục đối với những khu vực đã bị sâu bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân trồng cây keo lai áp dụng, tránh để phát sinh thành dịch bệnh, dẫn đến thiệt hại trong sản xuất; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất./.

Theo Báo Cà Mau