Xã Cát Thắng có 5 thôn với hơn 1.750 hộ và gần 10.000 nhân khẩu, hơn 90% dân cư sống bằng nghề nông. Nhằm chủ động ứng phó và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra, năm 2018 xã Cát Thắng đã sớm triển khai phương án PCTT – TKCN. Theo đó, xã đã kiện toàn ban chỉ huy PCTT – TKCN của xã gồm 21 thành viên do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đứng chân ở từng địa bàn dân cư để phối hợp với các thôn triển khai phương án PCTT đến tận người dân và chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi có bão lũ xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư – phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi khi có mưa lũ uy hiếp; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, tránh lụt, bão như chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc men, tẩy uế môi trường, khử trùng giếng nước bị ngập… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình khi có mưa bão xảy ra.

Tổ chức kiểm tra, xử lý và gia cố các đoạn đê suối bị sạt lở; khơi thông dòng chảy và đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh mương do xã quản lý; chuẩn bị vật tư, phương tiện như đất cát, bao bì, dây buộc, sầm, độn… tại các đoạn đê xung yếu để kịp thời gia cố, chống xói lở khi có nước lớn tràn đê… Theo đó, ngoài kinh phí huyện hỗ trợ gần 100 triệu đồng để khắc phục, gia cố gần 30m chân khay bị xói lở ở tràn Phú Giáo, xã Cát Thắng cũng đầu tư gần 1 tỷ đồng để gia cố, sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu, các cống hộp bị hư hỏng, xuống cấp; chuẩn bị 1000 bao tải, 200 cây tre tươi và 105m3 đất tập kết tại 2 đoạn đê đất thuộc thượng lưu đập dâng Lão Tâm là đê Văn Trí và đê Bờ Dầu để kịp thời xử lý, gia cố khắc phục khi có nước lớn tràn đê gây xói lở; đồng thời, hợp đồng 2 xe công nông ở địa phương để vận chuyển vật tư, phương tiện cần thiết phục vụ công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão. 

Gần 30m chân khay bị xói lở ở tràn Phú Giáo đã được gia cố an toàn
 

Bên cạnh đó, xã cũng xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông trong mùa bão lũ nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra như: phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong ban chỉ huy PCTT – TKCN và cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi của xã kiểm tra các tuyến giao thông, cầu cống ở các khu vực khi có lũ để kịp thời phát hiện và khắc phục khi có sự cố xảy ra; cảnh báo nhân dân không đi lại bằng đường bộ khi có nước lớn, không dùng ghe, sõng để đi lại khi có gió to, nước lớn, không có phao cứu sinh. Ngoài ra, xã đã xây dựng phương án và huy động 6 chiếc xuồng ở 3 thôn phía nam của xã là Hưng Trị, Phú giáo và Long Hậu để kịp thời di dời 137 hộ dân với 656 nhân khẩu thuộc vùng trũng thấp lên vùng cao an toàn khi có lũ lớn xảy ra

Ông Nguyễn Văn Tài – Chủ tịch UBND xã – Trưởng ban chỉ huy PCTT – TKCN xã Cát Thắng cho biết: “Là một trong những địa phương nằm ở vùng rốn lũ của huyện Phù Cát nên xã Cát Thắng xác định việc phòng chống lụt bão là  nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu.  Đặc biệt, năm 2016 xã Cát Thắng được BCH PCTT – TKCN tỉnh chọn tổ chức diễn tập công tác PCTT - TKCN. Thông qua diễn tập đã giúp chính quyền địa phương nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy lực lượng trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Nhân dân trong xã cũng nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai. Bên cạnh đó, các khâu chuẩn bị cho công tác phòng chống lụt bão của xã cũng đã được triển khai thực hiện. Qua kiểm tra, đến nay việc chuẩn bị cho công tác PCTT – TKCN của xã Cát Thắng đã cơ bản hoàn tất.”

Ngoài ra, xã cũng thành lập 5 đội thanh niên xung kích ở tất cả các thôn trong xã và một đội thanh niên xung kích tại xã – mỗi đội có từ 15 đến 20 người, trong đó lấy lực lượng dân quân, thanh niên làm nòng cốt để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra như tràn, vỡ đê; di chuyển người dân ở những vùng nước lũ uy hiếp lên vùng cao an toàn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình hạ tầng, hạn chế đến mức thấp nhấp thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.

Anh Lê Công Phúc – một thành viên đội thanh niên xung kích của xã Cát Thắng cho biết: “Với trách nhiệm được phân công và vai trò của một thanh niên, hàng năm khi mùa mưa bão đến, mỗi khi có tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra, tôi luôn chấp hành nhiệm vụ và sẵn sàng tham gia cùng với anh em thanh niên xung kích để ứng cứu kịp thời như: khắc phục sự cố sạt lở đê, giúp nhân dân di chuyển lên vùng cao an toàn…, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra”.

“Với sự đầu tư của nhà nước, nhiều tuyến đê sông và hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi ở xã Cát Thắng đã được đầu tư nâng cấp và xây dựng kiên cố. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn hơn 1,8 km đê sông Đại An, đoạn thuộc đê Văn Trí (1km) và đê Bờ Dầu (800m) vẫn còn là đê đất, lại này nằm ở khúc cua; mỗi khi mưa lũ đến, nước lớn không chảy kịp nên thường xuyên bị xói lở, nguy cơ mất an toàn là rất cao. Vì vậy, về lâu dài xã Cát Thắng cũng đang trông chờ sự đầu tư kinh phí của cấp trên để xây dựng kiên cố 2 đoạn đê này, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão” – ông Nguyễn Văn Tài – Chủ tịch UBND xã – trưởng ban chỉ huy PCTT – TKCN xã Cát Thắng cho biết thêm.

Trường Giang

Đài truyền thanh huyện Phù Cát, Bình Định