Tình hình hạn hán năm 2014

Trong năm 2014, nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung gây nên tình trạng hạn hán nghiêm trọng, thậm chí còn thiếu cả nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn người dân ở một số địa phương. 

Tình trạng nắng nóng đã diễn ra tương đối gay gắt trong suốt 8 tháng đầu năm 2014, lượng mưa rất thấp, phổ biến đạt dưới 50% so với trung bình nhiều năm (TBNN), cụ thể lượng mưa tại một số trạm như sau: Ba Đồn 39%, Đông Hà 39%, Đà Nẵng 21%, Quảng Ngãi 20%, Quy Nhơn 19%, Tuy Hòa 24%, Nha Trang 31%, Phan Rang 33%. Đặc biệt, do không có mưa và lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 nên dòng chảy sông suối và dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi không được cải thiện. Phần lớn dòng chảy các sông đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-80%. Nguồn nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2014 ở khu vực Trung Bộ chỉ đạt khoảng 20 ÷ 40% dung tích thiết kế.

Tại một số địa phương khu vực Trung Bộ, đã xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2014, có thời điểm cao nhất khoảng 67.443 ha lúa bị hạn, chiếm khoảng 12% diện tích gieo trồng. Các tỉnh có nhiều diện tích bị hạn như Nghệ An 11.000ha, Quảng Trị 7.400 ha, Quảng Ngãi 7.615 ha, Bình Định 13.158 ha, Phú Yên 17.531 ha, Khánh Hòa 2.777 ha. Ngoài ra, diện tích không có nước để gieo trồng là 15.925 ha (Ninh Thuận 8.795 ha, Quảng Ngãi 2.654 ha, Bình Định 1.004 ha, Khánh Hòa 1.828ha..)

Dự đoán hạn hán vụ sản xuất đông xuân 2014 - 2015 và hè thu 2015

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nắng nóng khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện sớm, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 đến tháng 9/2015 cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,00C. Lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 6/2015 khu vực Trung Bộ thiếu hụt khoảng 15 - 30%, mùa mưa khu vực Nam Trung Bộ khả năng đến nửa cuối tháng 9/2015 mới xuất hiện. Từ tháng 2 đến tháng 8/2015, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 20- 40%, ở Nghệ An và Hà Tĩnh thấp hơn từ 30 - 60%, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế sẽ thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 40 - 60%, có nơi hụt hơn 60%; các sông từ Quảng Nam đến Ninh Thuận sẽ thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 40 - 70%, một số nơi thiếu hụt tới 70 - 80%. Các địa phương có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước cao ngay từ vụ Đông Xuân là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Quảng Trị do lượng nước trữ của các hồ chứa đang ở mức thấp. Dự kiến, diện tích cây trồng thiếu nước tưới vụ đông xuân ở Khánh Hòa khoảng 11.000 ha (chiếm 30% tổng diện tích gieo trồng), Quảng Trị 10.000 ha, Ninh Thuận 8.000ha...

Đẩy mạnh công tác khuyến nông thực hiện các giải pháp phòng chống hạn

Khuyến cáo về thời vụ và cơ cấu giống lúa

- Cùng với cán bộ quản lý ngành của địa phương, hệ thống khuyến nông các cấp chỉ đạo, khuyến cáo nông dân làm đất, gieo sạ theo tuyến kênh, gieo sạ tập trung, thời vụ gọn và phù hợp với lịch cấp nước của đơn vị thủy nông địa phương.

- Hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn khá để sản xuất trong điều kiện nắng nóng.

Hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước

- Mở rộng diện tích lúa áp dụng biện pháp 1 phải 5 giảm, tưới khô ướt xen kẽ.

- Sử dụng phân NPK hợp lý và hiệu quả có bổ sung phân vi lượng, trung lượng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

- Theo Cục Trồng trọt, năm 2015 kế hoạch chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu tại miền Trung là 63.500 ha, trong đó Nam Trung Bộ 45.000 ha và Bắc Trung Bộ 18.000 ha.

- Không sản xuất lúa ở những diện tích ngoài năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi.

Quản lý nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm

- Phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm.

- Điều tiết nước tưới phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

Xây dựng các mô hình sản xuất và tập huấn nông dân

- Xây dựng mô hình chuyển đổi cây rau màu trên đất lúa, mô hình gieo cấy giống ngắn ngày, chịu hạn…

- Tập huấn nông dân các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm.

- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

                                                                                   Trần Văn Khởi

                            PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia