Tại Việt Nam bệnh đuợc phát hiện ở Tây Ninh vào tháng 6 năm 2017. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Công điện khẩn số 5920/CĐ-BNN-BVTV ngày 19/7/2017 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện cấp bách việc tiêu hủy nguồn bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã công bố dịch và chỉ đạo áp dụng các biện pháp dập dịch.

Sau gần 1 năm tổ chức các biện pháp chống dịch bệnh nhưng bệnh vẫn tiếp tục lây lan, gây hại nặng, có nguy cơ tàn phá vùng trồng sắn ở Tây Ninh và lây lan sang các địa phương khác. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật đến ngày 24/5/2018 diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn ở Tây Ninh là 14.856 ha (nhiễm nặng 1.810 ha), bệnh đã lây lan sang Bình Dương với diện tích nhiễm là 195 ha (nhiễm nặng 10 ha). Bệnh được xác định gây hại nặng trên giống HL-Sl1, hầu hết các diện tích bị nhiễm bệnh nặng đều phát bệnh ngay từ khi mới mọc mầm. Nguyên nhân chính là do công tác chỉ đạo dập dịch chưa thực sự quyết liệt, chưa áp dụng triệt để các biện pháp dập dịch, cụ thể là giống HL-S11 nhiễm bệnh nặng nhưng nông dân tiếp tục sử dụng; không kiểm soát được hom giống có mầm bệnh được buôn bán, di chuyển từ vùng này sang vùng khác.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả góp phần bảo vệ an toàn sản xuất sắn ở Tây Ninh, Bình Dương và các địa phương khác, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Ninh và Bình Dương chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp đã hướng dẫn trong Công điện khẩn số 5920 /CĐ-BNN-BVTV ngày 19/7/2017, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:

- Nghiêm cấm hành vi buôn bán, trao dổi các giống sắn đã bị nhiễm bệnh; chỉ đạo, tuyên truyền cho nông dân biết và không trồng giống HL-S11, khuyến cáo sử dụng thay thế bàng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM419, KM140...

- Hướng dẫn nông dân thực hiện tiêu hủy triệt để diện tích sắn bị nhiễm bệnh; phun trừ bọ phấn (rầy phấn trắng) để diệt nguồn môi giới truyền bệnh. Những vùng bị nhiễm bệnh nặng cần phải tiêu hủy cây bị bệnh, nghiêm cấm vận chuyển thân lá sắn ra khỏi vùng dịch; luân canh cây trồng khác để tránh thiệt hại.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nông dân trồng sắn, người buôn bán giống sắn ở địa phương nắm rõ tác hại của bệnh khảm hại sắn và các biện pháp phòng chống.

2. Các tỉnh trồng sắn vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chỉ đạo tổ chức rà soát bệnh khảm lá sắn ở các địa phương nếu phát hiện bệnh thì phải thực hiện theo quy trình phòng trừ Cục Bảo vệ thực vật đã ban hanh (kèm theo).

3. Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chỉ đạo hệ thống bảo vệ thực vật cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng tập trung hỗ trợ các địa phương phòng chống bệnh khảm lá sắn; tổ chức rà soát bệnh khảm lá sắn ở các địa phương, báo cáo Bộ trước ngày 30/6/2018.

4. Cục Trồng trọt chỉ đạo các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân không trồng giống HL-S11 đồng thời tăng cường công tác khảo nghiệm và đẩy nhanh tiến độ công nhận giống chịu bệnh virus; phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình buôn bán, sử dụng giống sắn HL-S11 báo cáo Bộ trước ngày 30/6/2018.

5. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm hướng dẫn các biện pháp quản lý bệnh khảm lá sắn tại các địa phương bị nhiễm bệnh nặng; in ấn tài liệu về các biện pháp quản lý bệnh khảm lá sắn phát cho nông dân.

BBT (gt)